Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dự thảo Nghị định bắt buộc các nhà xe phải có bộ phận quản lý an toàn

VOH - Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có nội dung bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn.

Nhiều vụ tai nạn giao thông có thể ngăn chặn được ngay từ đầu nếu doanh nghiệp vận tải có bộ phận quản lý an toàn và thực hiện nghiêm các quy định.

Một vụ TNGT mà cả hai xe trong vụ tai nạn đều chạy quá tốc độ
Những vụ TNGT mà do chạy quá tốc độ đều có thể ngăn chặn được nếu có bộ phận quản lý an toàn - Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, những vụ tai nạn do xe chạy quá tốc độ hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu đơn vị vận tải có bộ phận theo dõi an toàn giao thông (ATGT) và hoạt động đúng quy định để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh tài xế khi phát hiện xe chạy quá tốc độ.

Tại Thông tư 12/2020 đã quy định rất rõ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải có bộ phận ATGT. Tuy nhiên, các đơn vị doanh nghiêp lớn chưa thực sự quan tâm, còn các đơn vị có quy mô nhỏ lẻ không đủ điều kiện để thành lập bộ phận này.

Theo Cục Đường bộ VN, trong 6 tháng đầu năm 2024, các sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 18.123 phương tiện do vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên; chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 189.243 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, không truyền dữ liệu.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có nội dung đáng chú ý là bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn, bao gồm người trực tiếp điều hành vận tải và nhân lực đảm bảo ATGT cho lái xe, xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ.

Nhiệm vụ của bộ phận này là hằng ngày theo dõi thiết bị giám sát hành trình kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý vi phạm như: Xe chạy quá tốc độ, lái xe liên tục, quá thời gian, hoạt động sai hành trình, thiết bị GSHT không có tín hiệu; ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị vận tải để theo dõi, báo cáo…

Trước mỗi chuyến đi, người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý an toàn và người lái xe phải kiểm tra GPLX của tài xế, giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận đăng ký xe…

Hằng tháng, quý, năm, phải thống kê quãng đường phương tiện chạy, lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện. 

Tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình vận tải, thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ TNGT; tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT…

Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quy định này nhằm triển khai cụ thể nội dung Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Như vậy, tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải ( dù lớn hay nhỏ) đều phải có bộ phận quản lý an toàn, nhằm siết chặt công tác quản lý tại mỗi doanh nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị vận tải, của tài xế, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro mất ATGT, TNGT.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, ban soạn thảo đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo hướng: Các đơn vị quy mô dưới 5 xe có thể ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thuê bộ phận quản lý an toàn của đơn vị kinh doanh vận tải khác để thực hiện; hoặc có thể phối hợp với nhau để hình thành bộ phận quản lý an toàn chung.

Trong khi đó, với các quy định khác như kiểm tra các giấy tờ xe, người lái, lệnh vận chuyển… trước mỗi chuyến đi, lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu để nghiên cứu điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.

Bình luận