Tiêu điểm: Nhân Humanity

Muốn giảm thiểu nguy cơ tai nạn trên cao tốc, xa lộ, cần đảm bảo trước một nguyên tắc cơ bản

VOH - Với tình trạng tai nạn giao thông trên các cao tốc khá cao thời gian gần đây, song song với việc kiểm tra lại chất lượng các cao tốc thì người dân cũng cần nâng cao ý thức tuân thủ luật.

Việt Nam đang phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có các dự án cao tốc. Các cao tốc được đưa vào sử dụng giúp thay đổi diện mạo giao thông, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, qua các vụ tai nạn giao thông thảm khốc thời gian gần đây đã cho thấy một số tuyến cao tốc đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Ngoài lý do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, việc bố trí giao thông còn bất cập thì ý thức người tham gia giao thông là vấn đề cần được nâng cao...

Rạng sáng 29/2/2024, xe ô tô 7 chỗ mang BKS tỉnh Đồng Tháp chở theo nhiều người lưu thông trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, hướng từ Tiền Giang lên TPHCM. Khi đến địa bàn xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành, Tiền Giang) thì lốp trước bên phụ bất ngờ bị nổ.

Xe chao đảo trên đường rồi tông vào đuôi xe tải BKS tỉnh Bến Tre lưu thông cùng chiều phía trước.

Tại hiện trường, 2 phương tiện nằm trên làn đường số 2 làm hàng loạt phương tiện các loại lưu thông ngang qua bị kẹt xe kéo dài trên đường. Cùng thời điểm, cách hiện trường vụ tai nạn trên khoảng 500 mét xảy ra vụ va chạm giữa xe đầu kéo và ôtô tải.

Đến gần sáng 29/2 trên tuyến tiếp tục xảy ra tai nạn, cách hiện trường hai vụ trước khoảng một km. Sự cố khiến hai ôtô hư hỏng nặng phần đầu và đuôi, nhiều mảnh vỡ vương vãi trên đường.

Xe-khach161616
Chiếc xe khách giường nằm biến dạng sau vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Ảnh: TTO

Ngoài đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc mới đưa vào khai thác là Cam Lộ - La Sơn cũng liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông.

Vụ việc nghiêm trọng nhất diễn ra tối ngày 10/3. Trên tuyến Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ôtô khách và xe tải dừng đỗ ven đường làm 2 người tử vong tại chỗ và 4 người bị thương.

Tài xế Lê Hoàng Quân (sinh năm 1973, trú Đắk Nông) điều khiển xe khách 51B- 261.49, chạy theo hướng từ tỉnh Quảng Trị vào thành phố Đà Nẵng.

Khi đến đoạn đường trên, xe khách va chạm với xe ôtô tải 75C-016.91 do anh Phan Đình Thành (sinh năm 1986, ở Thừa Thiên-Huế) đang dừng đỗ bên đường theo hướng cùng chiều.

Hậu quả vụ va chạm mạnh khiến 2 người (1 nam, 1 nữ) tử vong và 4 người khác cùng trên xe khách bị thương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền.

Sau vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn, yêu cầu đánh giá nguyên nhân, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập; đồng thời khẩn trương làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi liên tiếp để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.

khoang-cach-an-toan-cao-toc-1710136512778921755886
Ảnh minh họa: VietnamNet

Qua những sự việc trên, lỗi vi phạm hầu hết ở chỗ tài xế thiếu quan sát, chủ quan, không đảm bảo các quy định an toàn trong tham gia giao thông….Có một số tai nạn do nguyên nhân khách quan như nổ lốp xe, nhưng một số khác lại do ý thức tài xế chưa cao, chưa thật sự nghiêm túc trong chấp hành luật giao thông đường bộ.

Nói đến biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, có rất nhiều cách thức để áp dụng cũng như cần thêm các biện pháp khác như tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng, hiện trạng đường giao thông, tăng cường kiểm tra tình trạng phương tiện tham gia giao thông….

Tuy nhiên, điều cơ bản nhất từ đó giúp hạn chế khả năng dẫn đến tai nạn giao thông, hoặc hạn chế thiệt hại khi rủi ro xảy ra tai nạn giao thông, đó là việc đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các phương tiện.

Giữ khoảng cách an toàn là yêu cầu bắt buộc khi lưu thông trên đường bộ. Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ban hành ngày 15/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải cũng đã quy định rất rõ về khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông.

Căn cứ vào Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông trên đường được quy định như sau:

- Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

- Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:

+ Nếu vận tốc bằng 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m.

+ Nếu vận tốc trên 60 - 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m.

+ Nếu vận tốc từ trên 80 - 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m.

+ Nếu vận tốc từ trên 100 - 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.

Trường hợp điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.

- Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định khi mặt đường khô ráo nêu trên.

Đối với trường hợp xe đi trên cao tốc, khoảng cách an toàn tối thiểu cũng dựa vào tốc độ của xe khi tham gia giao thông theo như quy định trên.

Trên thực tế, khó có thể đo chính xác được khoảng cách cần giữ, tuy nhiên, người điều khiển phương tiện hãy đặc biệt cẩn trọng, thậm chí có thể giữ khoảng cách an toàn lớn hơn so với quy định.

Hãy cẩn trọng ở mọi tình huống để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Vì khi gặp sự cố, khoảng cách an toàn sẽ giúp bạn đủ điều kiện để kịp xử lý tình huống.

Bình luận