Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tất tần tật những điều cần biết về tín hiệu đèn giao thông

(VOH) – Ngoài trừ 3 loại tín hiệu đèn giao thông chính, còn nhiều loại tín hiệu đèn phụ mà người điều khiển phương tiện không hay để ý nhưng lại vô cùng quan trọng. 

Theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, bảng báo hiệu, đèn tín hiệu theo đúng quy định khi tham gia lưu thông trên đường. 

Hiện nay, khi tham gia lưu thông trên đường, bên cạnh các cột đèn tín hiệu cơ bản mà ai cũng biết với 3 màu xanh vàng đỏ thì người điều khiển phương tiện còn nhìn thấy các loại đèn tín hiệu khác như: đèn hình mũi tên, đèn hai màu dành riêng cho người đi bộ hoặc đèn tín hiệu ở những nơi có đường sắt, phà, cầu. Vậy ý nghĩa của những loại tín hiệu này là gì? Hãy tham khảo bài viết bên dưới:

1. Đèn tín hiệu giao thông chính

Khi lái xe người điều khiển phương tiện cần phải hiểu đúng về nguyên tắc điều tiết của các loại tín hiệu đèn, quan sát thật kỹ để đi đúng, tránh tình trạng đi sai sẽ xảy ra vi phạm và gây ra các vụ tai nạn đáng tiếc. 

Có ba loại màu tín hiệu: xanh, vàng và đỏ; chủ yếu có dạng hình tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang tại các đoạn đường nơi giao nhau của nhiều ngã rẽ khác nhau. 

  • Đèn xanh: Cho phép đi, các phương tiện được phép di chuyển 
  • Đèn vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ.

Khi tính hiệu vàng bật sáng: Báo hiệu người đang điều khiển phương tiện trên đường phải giảm tốc độ và dừng lại ở trước vạch sơn “Dừng xe” theo quy định. Nếu không có vạch sơn “Dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện đã vượt quá vạch sơn thì phải nhanh chóng vượt qua khỏi giao lộ để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Tín hiệu vàng nhấp nháy: Báo hiệu được đi nhưng người điều khiển xe phải chú ý và thận trọng quan sát, chạy chậm, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định. 

  • Đèn đỏ: Khi bật sáng, các phương tiện không được phép di chuyển, phải dừng lại trước vạch dừng xe.

Thứ tự đèn tín hiệu lắp theo chiều thẳng đứng: Đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới.

Thứ tự đèn tín hiệu lắp đặt theo chiều ngang: Đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều lưu thông.

Tất tần tật những điều cần biết về tín hiệu đèn giao thông ảnh 1
Đèn tín hiệu giao thông chính - Ảnh: Internet 

2. Đèn tín hiệu phụ

Đèn tín hiệu giao thông ngoài dạng truyền thống màu xanh, vàng, đỏ còn có nhiều loại khác đa dạng chức năng hơn với nhiệm vụ điều tiết giao thông, hỗ trợ nơi có nhiều làn đường và xe cộ đông đúc bên cạnh 3 loại đèn chính. 

  • Nếu ở cột đèn tín hiệu giao thông chính được lắp đặt thêm tín hiệu đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện tham gia giao thông chỉ được phép di chuyển khi tín hiệu đèn phụ hình mũi tên bật sáng. Tín hiệu phụ hình mũi tên cho phép rẽ trái cũng đồng nghĩa với việc được phép quay đầu, trừ khi có cắm biển báo “Cấm quay đầu xe”.
  • Khi đèn mũi tên màu xanh bật sáng cùng với một đèn màu đỏ thì chỉ những phương tiện di chuyển theo hướng mũi tên được phép đi nhưng phải chú ý nhường đường cho xe từ các hướng khác. Tuy nhiên, khi đèn mũi tên đỏ bật sáng cùng với một đèn xanh thì những phương tiện di chuyển theo hướng mũi tên phải dừng lại tại vạch dừng xe riêng. 
  • Nếu như đèn mũi tên được gắn kèm với hình ảnh của một loại phương tiện (xe máy hoặc xe ôtô) thì chỉ phương tiện đó mới phải thực hiện theo lệnh khi đèn sáng.
  • Đèn tín hiệu có hình chữ thập màu đỏ báo hiệu xe phải dừng lại. Trong trường hợp xe đã ở trong nút giao thì phải nhanh chóng đi ra khỏi nút giao.
Tất tần tật những điều cần biết về tín hiệu đèn giao thông ảnh 2
Các loại đèn tín hiệu giao thông - Ảnh: Internet 

3. Tín hiệu đèn hai màu

Được chia làm 2 trường hợp. Thứ nhất, loại tín hiệu đèn hai màu thường được lắp đặt tại nơi giao nhau giữa đường bộ với đường sắt, bến phà, cầu. Thứ hai, đèn tín hiệu điều khiển giao thông đối với người đi bộ. 

Tín hiệu xanh đỏ không nhấp nháy để điều khiển giao thông ở khu vực đường sắt, phà, cầu:

  • Đèn xanh: Khi đèn xanh bật sáng, các phương tiện được phép di chuyển.
  • Đèn đỏ: Nếu đèn đỏ sáng, các phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng xe.

Tín hiệu đèn hai màu điều khiển giao thông đối với người đi bộ:

Đèn cho người đi bộ có hai màu xanh và đỏ. Khi đèn xanh bật sáng có ý nghĩa người đi bộ được phép qua đường. Đèn xanh nhấp nháy báo hiệu sắp hết thời gian được phép đi. Khi đèn đỏ bật sáng, người đi bộ không được phép băng qua đường.

Tất tần tật những điều cần biết về tín hiệu đèn giao thông ảnh 3
Tín hiệu đèn cho người đi bộ - Internet 

Xem thêmDanh sách 300+ biển báo hiệu đường bộ tài xế nào cũng cần nhớ rõ

4. Quy định xử phạt vi phạm

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt không chấp hành tín hiệu đèn giao thông được quy định như sau: 

4.1 Đối với xe ô tô

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
  • Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Ngoài ra, nếu hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông của bạn mà dẫn đến hậu quả xảy ra tai nạn giao thông thì bị sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. 

4.2 Đối với xe máy

  • Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1000.000 đồng;
  • Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

4.3 Đối với xe đạp, xe đạp máy - kể cả xe đạp điện

  • Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000. Tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng. 
Bình luận