Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM : Xe buýt mini trở lại với 'chiếc áo' công nghệ ?

(VOH) - TPHCM có ý định sử dụng mô hình buýt mini ứng dụng công nghệ với lí do phù hợp với tình trạng nội ô nhỏ hẹp ở khu trung tâm.

Cách đây 10 năm, TPHCM cho ngưng xe buýt mini vì không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, hiện nay thành phố tiếp tục kiến nghị đến Chính phủ cho sử dụng mô hình buýt mini ứng dụng công nghệ với lí do phù hợp với tình trạng nội ô nhỏ hẹp ở khu trung tâm. Đề xuất này liệu có khả thi?

Xe buýt mini
 

Xe buýt điện sắp hoạt động tại Hà Nội và TPHCM

Xe buýt mini thịnh hành hơn 10 năm trước

Nhiều năm trước, người dân ở những huyện vùng ven quen thuộc với xe buýt nhỏ gọn có tên gọi đa su (Daihatsu). Xe buýt đa su giải quyết vấn đề lưu thông ở nội ô thành phố do đường xá nhỏ, hẹp, xe buýt lớn khó tiếp cận, nhất là trong khung giờ giao thông cao điểm dễ di chuyển hơn xe buýt lớn; thành phố khi đó còn nhiều cây cầu sắt nhỏ, tải trọng như xe đa su mới qua cầu an toàn.

Thêm nữa, xe không có máy lạnh nên rất thoáng khí, những người phụ nữ đi chợ có thể đem được các thực phẩm tươi sống lên xe mà không lo gây mùi khó chịu.

Tại bến xe quận 4, còn 2 chiếc buýt đa su trước đây chạy tuyến 37 (đi từ cảng quận 4 đến Nhà Bè) nằm bến đợi khách đặt xe đi dịch vụ.

“Tôi nghỉ chạy xe 10 năm rồi. Bây giờ ai cần đi đâu thì tôi chở dịch vụ, chủ yếu chở các phụ nữ đi chùa” - ông Trang Huê Hùng - tài xế chạy đa su cho biết.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, những chiếc đa su cũng bị loại dần theo nghị định 110/2006 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô. Theo đó, tại điều 7 của Nghị định quy định về Điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, ô tô có đủ 17 ghế trở lên.

Năm 2008, Luật giao thông đường bộ sửa đổi ra đời và Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ban hành đi theo sau đó cũng quy định tương tự.

Từ khi có quy định này, những chủ xe đa su kinh tế khá hơn bán xe, mua xe lớn để tham gia vào các hợp tác xã, còn lại chấp nhận chạy dịch vụ.

Hầu hết  người chạy dịch vụ đều có đời sống khá bấp bênh vì không có khách đều đặn. Nhưng khi đổi qua chạy xe lớn họ cũng chỉ kiếm đủ thu nhập sống qua ngày. 

Nỗ lực "phục hồi" mô hình xe buýt mini có hiệu quả?

Năm 2020, Sở Giao thông Vận tải bất ngờ tham mưu cho UBND TPHCM phục hồi lại mô hình xe buýt mini, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại trong đô thị theo đặc thù của TP.

Theo đó, TP kết hợp với công ty TNHH Busgo sử dụng xe buýt nhỏ có sức chứa dưới 17 chỗ để vận chuyển hành khách. Ưu điểm của ứng dụng này là hành khách có thể triển khai ứng dụng Godee (công ty Busgo) cài đặt trên điện thoại, khách đi xe buýt có thể chọn giờ đi, ghế ngồi…

Xe buýt chỉ dừng lại đón tại trạm khi khách đặt ứng dụng trước để tiết kiệm thời gian cho lộ trình. Phương tiện này chỉ di chuyển dựa trên các thông tin đặt chỗ trước qua ứng dụng, không dừng ở những trạm không có khách đặt xe. 

Dù Bộ Giao thông Vận tải đã bác đề xuất trên, song mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có văn bản đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận lại.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải cho biết, có trên 55% các tuyến đường của TPHCM có bề mặt đường dưới 7m nên việc triển khai hệ thống xe buýt nhỏ từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ sẽ phù hợp với hạ tầng hiện hữu.

“Nếu được Thủ tướng chấp thuận, Sở sẽ thí điểm trước 6 tuyến. Hiện nay, Sở cũng có một gói quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến xe buýt trong đó có đưa xe buýt cỡ nhỏ làm nhiệm vụ thu gom khách ở các khu đô thị mới, các khu trung tâm tới các nhà ga metro, nhà ga xe buýt” , ông Hải cho biết thêm.

Người dân cũng đồng tình với việc sử dụng buýt mini nếu đó là giải pháp giao thông tốt giúp an toàn cho hành khách và có giá hợp lý.

Anh Phan Tấn Dương (Quận 10) cho rằng, còn những thách thức đặt ra cho loại hình mới mẻ này: “Với thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt phương tiện đi lại của TP đa dạng. Nếu xe buýt mini đưa vào sử dụng thì có đáp ứng được những tuyến đường nhỏ quanh co, các con hẻm. Chưa kể, muốn xài xe buýt công nghệ này, khách phải biết dùng điện thoại thông minh để cài ứng dụng. Cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ gì cho hành khách khi dùng chúng?”

Theo tìm hiểu, ứng dụng Godee từ công ty Busgo có tính năng như loại hình shuttle bus booking (xe buýt đưa đón) vốn phổ biến trong kinh doanh dịch vụ du lịch khi đưa đón khách từ sân bay về điểm đặt xe.

Hiện nay, Godee có khuyết điểm là không thể đưa đón tận nơi cho khách. Khách sẽ phải tự đi bộ ra điểm đón hay điểm đến khá xa và cũng không có trạm dừng. Điều này khiến nhiều người không hứng thú vì họ phải mất thêm thời gian (gần 1km) để đi tới điểm đến.

Giá phí dịch vụ hiện dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/chuyến, không bình dân như đi xe buýt công cộng.

Như vậy, những hành khách có thể sử dụng loại hình buýt mini kết hợp công nghệ đa phần là giới làm văn phòng, những người có lộ trình làm việc và thu nhập ổn định. Liệu ý tưởng “mới mẻ” này có thể góp phần giảm bớt xe cá nhân khi đi vào thực tế? Câu trả lời này tùy thuộc vào sự tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP và đối tác Busgo.

Tại Hong Kong - thành phố có những tuyến đường hẹp - loại hình xe buýt mini với tên gọi public light buses (PLBs), xe có 16 -19 chỗ ngồi ra đời đầu thập niên 70.

Tính đến tháng 12/2020, Hong Kong có 3.281 xe buýt mini với tên gọi là green minibus, trung bình mỗi ngày xe này vận chuyển hơn 1 triệu hành khách, giá vé khoảng từ 5 - 8 đô la Hong Kong tùy theo chuyến (tương đương từ 15.000 – 24.000 đồng).

(Theo hongkongextras.com)

Bình luận