Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giám sát chặt chẽ hoạt động “đòi nợ thuê”

(VOH) - Thưa bà con! Vừa nhâm nhi cà phê, Tư hưu trí vừa nói “thời buổi nầy phải luôn cảnh giác với mấy doanh nghiệp đòi nợ thuê”.

Ba thợ hồ chưng hửng “ủa đòi nợ thuê mà cũng có doanh nghiệp nữa hả, tui tưởng đó là xã hội đen. Đúng là lạ thiệt đòi nợ thuê mà cũng có “pa tăng” nữa, hèn chi mấy ổng ngang nhiên ném chất dơ vô nhà, dùng rựa, dùng dao gây thương tích cho con nợ”.

Hai Sài Gòn, phở Hòa, đòi nợ thuê, ném chất bẩn

Phở Hòa Pasteur từng bị tạt sơn 8 lần. Ảnh: PLO

Hai Sài Gòn bổ sung thêm sở dĩ nói đòi nợ thuê mà có “pa tăng” là doanh nghiệp đòi nợ thuê được thành lập theo Nghị định 104/2007 của Chính phủ. Ở Thành phố mình, theo Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh thì hiện có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó 46 công ty được cấp giấy phép. Tuy nhiên, 99% các công ty thu hồi nợ này khi đi vào hoạt động đều làm sai nguyên tắc, sai giấy phép quy định đăng ký nhân viên thu hồi nợ.”

Tư hưu trí cho là theo quy định của Nghị định tiêu chuẩn của người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê: phải không có tiền án; trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.”

Trong rất nhiều vụ đòi nợ thuê thì những người đòi nợ hầu hết là đối tượng hình sự, dân anh chị giang hồ. Trong vụ ném chất bẩn vào tiệm Phở Hòa thì các nghi phạm bị điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Công an cũng đang làm rõ những người trên với các hành vi như làm giả giấy tờ, buôn lậu, lừa đảo, hủy hoại tài sản.”

Anh em nghe đều chắc lưỡi hít hà “ghê quá, đúng là kiểu “trao trứng cho ác mà”. Hai Sài Gòn dẫn chứng: Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì Nghị định 104/2007 quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ; thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ; nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ. Mục đích sử dụng các phương pháp trên để đàm phán, thương thuyết với chủ nợ. Chứ không phải dùng các biện pháp gây mất thiện cảm, gây mất trật tự an toàn xã hội để ép khách nợ trả nợ như hiện nay. 

Hai Sài Gòn “bình” chỗ nầy “Luật quy định rất rõ nhưng vẫn để xảy ra thực trạng biến tướng thì do quản lý không chặt và chế tài doanh nghiệp vi phạm chưa tới nơi, chưa có tính răn đe. Vì vậy, điều cần làm là sửa luật để tính lại khâu quản lý, chế tài và xử lý cơ quan chức năng được luật cho phép quản lý nhưng để “lọt” giang hồ tham gia vào doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ, chứ không phải cấm”.

Hai Sài Gòn nói thêm chuyện đòi nợ thuê đang diễn biến rất phức tạp ở Thành phố mình. Trong quá trình quản lý hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê, Thành phố đã phát sinh những “khuyết tật” cần phải chấn chỉnh. Đó là chưa có quy định pháp lý về địa bàn hoạt động của dịch vụ đòi nợ thuê dẫn tới rất nhiều công ty đòi nợ thuê ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc đều có văn phòng đặt ở thành phố Hồ Chí Minh. Các công ty này đưa người, lực lượng ở các nơi đến để thực hiện các dịch vụ của mình, dẫn tới rất khó quản lý. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê biến tướng rất nhiều, đe dọa con nợ, dễ dẫn tới vi phạm pháp luật, gây bất ổn cho xã hội.

Hoạt động đòi nợ thuê là thực hiện Nghị Định của Chính phủ, quan điểm Ủy ban nhân dân Thành phố là cấm đòi nợ thuê, bởi vì việc nợ tiền là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế giữa hai đối tác, giữa hai người bằng hợp đồng cụ thể. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải theo”.

Anh em trong quán cà phê nghe thông tin nầy đều cho là phải quyết liệt như vậy, một số anh em còn khẳng định dân đòi nợ thuê toàn là xã hội đen, nguy hiểm lắm./.

Bình luận