Tiêu điểm: Nhân Humanity

Luật cấm triệt để điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn

(VOH) - Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Những con số thống kê làm chúng ta không khỏi giật mình.

Thưa bà con! Ba thợ hồ vừa nhâm nhi cà phê vừa nói “từ ngày 1/1/2020, Ông nào muốn đi nhậu phải cố mà đạp xe đạp, hoặc đi taxi, xe ôm, xe buýt…”. Tư hưu trí “chặn họng” liền “anh mơ à, ai cho anh uống rượu bia mà điều khiển xe đạp. Tui nhắc mấy anh nhớ nhé Điều 5, Khoản 6 Luật Phòng, Chống tác hại của Rượu, Bia quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Kể từ ngày 1/1/2020, mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo cũng sẽ bị nghiêm cấm”.

Luật cấm triệt để điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn

Từ 1/1/2020 Luật cấm triệt để điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn, Hình minh họa

Ba thợ hồ mong muốn làm sao luật nầy được thực hiện một cách nghiêm minh, không được nửa vời như Luật cấm hút thuốc lá. Hai Sài Gòn tin là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được thực thi nghiêm túc. Tại sao vậy vì luật nầy đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của hầu hết người dân Việt nam. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Những con số thống kê làm chúng ta không khỏi giật mình. Vì rượu bia và tai nạn giao thông đã xảy ra có liên quan mật thiết với nhau. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì 30% số vụ là do người đều khiến phương tiện đã uống rượu bia làm khoảng 15.000 người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Việt Nam. Con số này thật khủng khiếp, thật đau xót, đây là sự mất mát quá lớn về người và của đối với các gia đình những nạn nhân cũng như xã hội”.

Nghe Hai Sài Gòn thông tin những người có mặt trong quán cà phê ai cũng hải hùng. Tư hưu trí cho là nếu thực thi luật nầy hiệu quả thì chắc chắn hạn chế được tình hình tai nạn giao thông, nhứt là tai nạn nghiêm trọng. Vấn đề là làm sao Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống”.

Hai Sài Gòn bày tỏ quan điểm “theo tui phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông kết hợp với sự giáo dục của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm Luật An toàn giao thông. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm.”

Tư hưu trí cho là phải như thế. Rồi anh dẫn chứng ở những nước như Nhật Bản, Singapore hay Anh, tiền phạt dành cho người lái xe sau khi sử dụng rượu bia không hề ít, con số thường lên đến hàng ngàn đô la Mỹ ngay lần vi phạm đầu tiên. Không chỉ phạt tiền hoặc tạm giữ bằng lái, các nước còn đưa ra những hình phạt cấm điều khiển phương tiện vĩnh viễn hoặc thậm chí ngồi tù, dù đối với những tài xế vi phạm nồng độ cồn tương đương với một ly bia. Nhật Bản quy định những hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm tù đối với tai nạn chết người và 15 năm tù đối với tai nạn không chết người. Thậm chí, vì số lượng người đi xe đạp rất lớn, nên ở Nhật, người đi xe đạp cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái ôtô để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Ở Malaysia lái xe khi uống rượu, người điều khiển giao thông sẽ bị phạt tù. Nếu anh ta đã kết hôn, người vợ hoặc chồng cũng phải ngồi tù chung. Ở Thổ Nhĩ Kỳ cảnh sát sẽ đưa người lái xe say rượu ra khỏi thị trấn khoảng hơn 30 km và buộc anh ta đi bộ trở về vị trí cũ dưới sự giám sát của đoàn xe cảnh sát đi kế bên”. Ba thợ hồ góp ý tui đề nghị phạt thật nặng những người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông. Theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ phạt tới 40 triệu đồng và tước bằng lái 2 năm. Lúc ấy đố anh nào dám không thực hiện. Anh em có mặt trong quán ai cũng đồng tình với đề xuất của Ba thợ hồ.

 

Bình luận