Tiêu điểm: Nhân Humanity

 Tăng giá điện  - ai khổ, ai sướng?

(VOH) - Tư hưu trí vừa nhâm nhi trà quạu, vừa nói thơ “Bắt thang lên hỏi ông trời. Giá điện tăng thế làm sao bây chừ. Lương hưu tháng bảy mới tăng. Thì nay ông điện “quất” ngay tháng nầy”.

Anh em cười rần rần bài thơ con cóc của ông già hưu trí. Ba thợ hồ cho là “Ông EVN mới chuẩn bị cuối tháng 3 mới tăng, ngày giờ chưa biết vậy mà Tư hưu trí cũng nhạy cảm “mần thơ”, rồi hỏi Hai Sài Gòn suy nghĩ gì vụ tăng giá điện.

Hai Sài Gòn trả lời “chính thức mà nói, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương, đã nói giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019 nhằm lành mạnh hoá thị trường điện.

Hiện cơ cấu nguồn điện huy động từ khí, điện than đắt hơn, mức tiêu thụ tăng 10% trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng tiêu dùng. Cũng theo ông Hoàng Quốc Vượng thì trước điều chỉnh, giá điện của Việt Nam là hơn 7 cent, sau điều chỉnh là gần 8 cent. Trong khi đó, giá điện các nước xung quanh như: Ấn Độ 8 cent, Trung Quốc 8 cent, Lào 9 cent, Indonesia 10 cent, Canada 11 cent”.

Tư hưu trí đưa tay “xí” tui phê phán ông thứ trưởng nầy, chúng ta là người Việt Nam, lương thưởng, thu nhập, ăn uống tiêu dùng tất tần tật giá cả theo thị trường Việt Nam, tại sao không tính đến mức sống, mức thu nhập của người dân chúng ta mà so với các nước…”.

Hai Sài Gòn đồng thuận với ý kiến của Tư hưu trí, anh bổ sung thêm “suy cho cùng để sản xuất ra điện chúng ta còn nhiều  lợi thế khác trong sản xuất điện. Ông Bộ Công thương, Ông EVN có tính toán bao nhiêu héc ta rừng đã bị tàn phá khi làm các nhà máy thủy điện? Chúng ta có hệ thống sông thuận lợi phát triển thủy điện, có than, có dầu sản xuất nhiệt điện. Tất cả những rừng, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên như than, dầu đều là tài sản của nhân dân nhưng khi sử dụng, khai thác đều kêu lỗ và người dân lại phải mất tiền thêm lần nữa là thế nào?”.

Tư hưu trí cho là đã vậy đánh giá về tác động, ông Vượng cho biết thêm, việc tăng giá điện lần này có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP chỉ giảm 0,22%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,29%. Hai Sài Gòn không đồng tình với Tư hưu trí, bởi điện không chỉ phục vụ tiêu dùng cuối cùng của dân cư mà còn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh.

Vì thế, vấn đề không phải ở chỗ giá điện có tăng hay không, mà là tăng bao nhiêu để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế, việc tăng đó dựa trên cơ sở nào. Tất cả cần phải được làm sáng tỏ, minh bạch, dẫn chứng về lý lẻ nầy Hai Sài Gòn cho biết,  Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, “chắc chắn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp bởi chi phí sản xuất đầu vào tăng. Nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Ảnh minh hoạ

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tổng chi phí để sản xuất thép thì điện chiếm từ 7% trở lên tùy công nghệ, mỗi tấn phôi thép cần ít nhất là 400kWh. Như vậy, nếu điện tăng 8,36% thì mỗi tấn sản phẩm thép thành phẩm sẽ bị đội giá khá cao, tăng thêm ít nhứt 5%”.

Tư hưu trí nói “đâu chỉ tiền điện, phía sau đó còn nào là tăng lương cơ sở, tăng đóng bảo hiểm sẽ làm tăng giá thành hàng hóa. Rốt cuộc ai chịu đây ?” Ba thợ hồ trả lời “róp rẻn” người tiêu dùng chịu chứ ai.

Hai Sài Gòn “bình luận” về tăng giá điện ở xứ mình “Vấn đề doanh nghiệp, người tiêu dùng mong muốn EVN là “ngành điện cố gắng giảm tổn hao, giảm bù đắp vào giá điện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bớt phải “gánh vác” hậu quả của việc tổn hao lớn hay quản trị chưa hợp lý. Đồng thời, do ngành điện độc quyền hoàn toàn nên cần có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước, tránh tăng giá quá mức. Theo số liệu của EVN, hiện cả nước có tới hơn 22 triệu hộ dân sử dụng điện, trong đó điện sinh hoạt chiếm khoảng 30% sản lượng điện của cả nước.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, cho rằng: “Giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt gia đình, bởi điện là nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Trên góc độ khác, giá điện tăng tác động vào giá thành các loại sản phẩm, dịch vụ, tạo nên một trào lưu tăng giá ở tất cả các mặt hàng, trong đó có cả các mặt hàng tiêu dùng. Ngoài giá cả hàng hóa - dịch vụ tăng cũng dẫn tới sức mua trên thị trường bị sụt giảm”.

Mấu chốt của vấn đề tăng giá điện là người tiêu dùng thấy Ông EVN chưa minh bạch nguồn thu. Cụ thể báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số trong tháng 12/2018 phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê về năng suất lao động của 21 ngành cấp 1, nhiều người quan tâm không khỏi ngạc nhiên năm 2010 năng suất lao động của ngành khai thác cao gấp 17 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế, của ngành điện cao gấp 11,5 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế.

Tính ra, bình quân, mỗi năm năng suất của ngành khai thác tăng 1,6%, của ngành điện tăng hơn 4,7%. Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của hai nhóm ngành này quá lớn, mà trong giá trị tăng thêm theo giá cơ bản thì có hai yếu tố chính là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất.

Có 2 trường hợp xảy ra: Một là, nếu hai ngành này lỗ thì đó là do thu nhập của người lao động quá cao. Hai là, những ngành này không hề lỗ, mỗi lần tăng giá bán điện là vào cả lương người lao động (cán bộ) hoặc vào thặng dư. Tui chưa biết ngành khai thác thế nào, chứ ngành điện thì từ “lỗ” tui nghe hơi bị nhiều, nếu không muốn nói là thường xuyên”.

Tư hưu trí chặn “họng” liền “Ý anh nói lương ngành điện cao chứ gì?”. Hai Sài Gòn chối “bây bẩy” tui không nói thế, tui chỉ lập lại một đoạn trong bài báo thôi.

Đừng vội phán xét - Rõ ràng, giữa “hạn chế xe gắn máy” trong điều kiện phương tiện này đang bùng nổ đã bị hiểu là “cấm xe gắn máy” một cách khá dễ dãi.

"Hụi", phải quản cho bằng được - Nghị định 19/2019 thay thế Nghị định 144/2006 mà gọi tắt là “quản lý hụi” rất cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ hụi, bể hụi hoặc lãi suất cao ngất ngưởng.

Bình luận