Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kỹ thuật ô tô - ngành học nhiều tiềm năng phát triển

(VOH) - Việt Nam hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất khoảng 700.000 xe/năm. Đây là ngành công nghiệp giàu tiềm năng và thu hút nguồn nhân lực lớn trong tương lai.

Việt Nam hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất lắp ráp, thiết kế khoảng 700.000 xe/năm. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể kể đến như Trường Hải (THACO), VINFAST, SAMCO, Toyota Việt Nam, Mercedes – Benz Việt Nam… Do đó, các ngành học liên quan tới ô tô (như cơ khí ô tô, cơ điện tử ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô…) có tiềm năng phát triển vô cùng to lớn.

Kỹ thuật ô tô - ngành học nhiều tiềm năng phát triển 1
Sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM được hướng dẫn tại nhà máy của THACO

Ngành công nghiệp ô tô có lợi thế khi ngày càng nhiều tập đoàn lớn đang xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật… tại Việt Nam nhằm cung ứng xe cho thị trường nội địa, đồng thời tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý, thông thương cảng quốc tế của Việt Nam để xuất khẩu xe sang các nước khác.

Bên cạnh đó, nước ta có dân số đông và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10% năm. Tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 25 xe/1.000 dân và dự kiến đến năm 2025 cả nước cần 800.000 - 900.000 xe/năm. Đặc biệt, ô tô cá nhân sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân bởi thu nhập bình quân ngày càng tăng.

Đây là những lý do cho thấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ và sẽ phát triển bùng nổ trong tương lai, kéo theo đó là nhu cầu nhân lực của ngành này cực lớn.

Học ngành kỹ thuật ô tô sẽ làm các công việc gì?

Nhiều người cho rằng, học ngành kỹ thuật ô tô – sau khi ra trường sẽ chỉ tham gia vào các công đoạn sản xuất, lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, trên thực tế, người học ngành này có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực có liên quan.

Tại buổi tọa đàm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành kỹ thuật ô tô diễn ra vào sáng 12/11, ông Bùi Trần Nhân Trí – Giám đốc nhân sự Thaco Chu Lai (đơn vị tuyển dụng hàng trăm kỹ sư ô tô mỗi năm cho nhiều vị trí việc làm) cho biết, tại đơn vị này, công việc cho sinh viên học kỹ thuật ô tô khá phong phú, chẳng hạn như làm nghiên cứu phát triển: thiết kế kiểu dáng, mô phỏng, động lực học, điện tử; thiết kế nội ngoại thất, hệ thống điện, điều khiển thủy lực…; lập trình điều khiển; kỹ thuật sản xuất; kiểm soát chất lượng; kinh doanh…

Ngoài ra, nếu không làm việc tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp, sinh viên học ngành kỹ thuật ô tô có thể làm việc ở vị trí kiểm định viên tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cố vấn dịch vụ đại lý, xuất nhập khẩu ô tô...; đảm nhận các công việc kỹ thuật, quản lý khai thác, bảo trì và sửa chữa ô tô tại các đơn vị dịch vụ ô tô như garage, đại lý ô tô…; các doanh nghiệp bảo hiểm, công ty vận tải.

Xem thêm: Ngành Kỹ thuật tàu thủy là gì? Làm việc ở đâu?

Nhà tuyển dụng yêu cầu gì ở sinh viên ngành kỹ thuật ô tô?

Theo ông Bùi Trần Nhân Trí, cũng như nhiều ngành nghề khác, ngoài yêu cầu ứng viên phải nắm chắc kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô thì yêu cầu của doanh nghiệp là ứng viên phải có thái độ làm việc tốt, kiên trì, khát khao làm việc, tinh thần cầu thị. Năng lực tự học cũng là yếu tố cần thiết trong ngành này do công nghệ không ngừng thay đổi…

Các kỹ sư ô tô làm việc tại xưởng có thể sẽ vất vả, lấm lem hơn so với những người làm kinh doanh, tuy nhiên, ngành nào cũng có những khó khăn, vất vả, sinh viên đừng quá lo lắng rằng "công việc này sẽ vất vả hơn các ngành khác". 10 năm đầu tiên vào nghề sẽ là thời gian học hỏi, kiến tạo, 10 năm tiếp theo những người làm nghề này sẽ phát triển nhanh.

Các trường đào tạo ngành kỹ thuật ô tô

Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô như điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Hiện có trên 30 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành này. Riêng tại TPHCM, một số trường đào tạo ngành kỹ thuật ô tô có thể kể tới như: Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…

Các khối ngành xét tuyển vào ngành học này là: A00 (Toán học, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), A02 (Toán học, Vật lý, Sinh học), D01(Toán học, Ngữ Văn, Tiếng Anh)…

Xem thêm: Ngành logistics là gì? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này ra sao trong tương lai?

Các kiến thức ngành kỹ thuật ô tô

Tùy theo trường, ngành kỹ thuật ô tô có thể được chia thành các chuyên ngành như cơ khí ô tô, cơ điện tử ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô…

Khi học các ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp ô tô như kiến thức về cấu tạo, nguyên lý làm việc, kết cấu các chi tiết và các hệ thống ô tô; Tính toán, thiết kế các chi tiết và cụm chi tiết trong các hệ thống ô tô, các phần mềm thiết kế chuyên ngành trên máy tính (CAD, Matlab, Catia, Solid Works…).

Sinh viên cũng có thể được đào tạo kiến thức về bảo dưỡng, bảo trì, phân tích nguyên nhân và sửa chữa hư hỏng ô tô; lắp ráp, thử nghiệm và kiểm tra kỹ thuật ô tô; khai thác, sử dụng kỹ thuật ô tô cũng như hoạt động sản xuất phụ tùng, điều khiển và lắp ráp. Góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện cũng như phương thức kinh doanh ô tô trên thị trường; Kiến thức về quản lý kỹ thuật, điều hành tại các trung tâm dịch vụ, khai thác ô tô…

Sinh viên ngành kỹ thuật ô tô cần trang bị thêm các kiến thức gì?

Đối với sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô, ngoài việc nắm chắc lý thuyết, kiến thức thực tế cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng cho biết, một trong những vấn đề thường gặp là sinh viên sau khi ra trường kiến thức thực tiễn còn hạn chế, thiếu sự kiên nhẫn…

TS. Nguyễn Thành Sa – Trưởng bộ môn Cơ khí ô tô – Viện Cơ Khí (Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) đánh giá, với ngành học về ô tô, giai đoạn thực tập vô cùng quan trọng để sinh viên có thể học hỏi các kỹ năng và kinh nghiệm thực tế về nghề. Đó là lý do trong quá trình cải tiến hoạt động đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM thực hiện học kỳ doanh nghiệp dài tới 15 tuần - học kỳ 8 trong chương trình đào tạo.

Học kỳ doanh nghiệp là giai đoạn sinh viên trải nghiệm các công việc của một kỹ sư ô tô tại xưởng lắp ráp, bên cạnh đó sinh viên được các kỹ sư giàu kinh nghiệm tại các công ty hướng dẫn tận tình. Mục tiêu của học kỳ doanh nghiệp giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn tại doanh nghiệp, đồng thời rèn luyện kỹ năng, thái độ và hình thành năng lực nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo.

TS. Nguyễn Thành Sa cho rằng, các sinh viên cần ý thức được tầm quan trọng của giai đoạn thực tập này để trải nghiệm các vị trí công việc khác nhau, học hỏi những kiến thức thực tế, trau dồi kỹ năng giao tiếp và thể hiện năng lực bản thân – điều có thể giúp sinh viên được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp. 

Bình luận