Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sau dịch, ngành hàng hải thiếu nhân lực dù lương tăng

VOH - Đây là chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp hàng hải… tại buổi tọa đàm “Nguồn nhân lực Hàng hải: Cơ hội và thách thức”.

Tọa đàm “Nguồn nhân lực Hàng hải: Cơ hội và thách thức” là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày thuyền viên thế giới 25/6 do trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều cho rằng, “xa nhà” là thách thức lớn nhất đối với những người làm việc trong ngành hàng hải. Do đó, với các bạn sinh viên, ngoài việc trang bị nền tảng kiến thức chuyên ngành chắc chắn trong quá trình học, điều cần thiết là phải chuẩn bị một tâm thế “xa nhà” khi phải nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là cả năm lênh đênh trên biển.

Hứa Nguyễn Hoài Thương
Hứa Nguyễn Hoài Thương chia sẻ tại buổi tọa đàm

Hứa Nguyễn Hoài Thương - sĩ quan máy - cô gái Việt Nam đầu tiên làm việc trên tàu viễn dương chia sẻ, buồng máy trên tàu là môi trường làm việc có nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, nhìn chung là khá khắc nghiệt với nữ giới. Tuy nhiên nếu yêu thích máy móc, yêu thích công việc này thì đó không phải là cản trở quá lớn.

Với Thương – cô gái vốn là cựu sinh viên Viện Hàng hải Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, khó khăn lớn nhất khi làm việc trên tàu đó là phải xa nhà, xa người thân, xa người yêu… và điều này không ít lần khiến Thương trào nước mắt.

Tuy nhiên, Thương cho biết, các thuyền viên trên tàu dù ở nhiều quốc gia khác nhau vẫn luôn ưu ái, hỗ trợ cho thành viên nữ, từ việc đặt thực phẩm hay khi đón Tết trên tàu… Thương đều được nhận nhiều lì xì từ các đồng nghiệp của mình.

Sau 2 năm làm việc trên tàu, Thương cho biết, trên các tàu viễn dương hiện đại không thiếu thứ gì, từ thực phẩm đến chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp hàng hải cũng luôn có những quy định cụ thể để bảo vệ thuyền viên nữ.

Do đó, theo Thương, các bạn nữ ước mơ làm nghề này hãy giữ vững đam mê, theo đuổi tới cùng và không để ai đánh giá giá trị của mình thông qua giới tính.

hàng hải
Hứa Nguyễn Hoài Thương trong buồng máy

Tại hội thảo, anh Vũ Đức Trọng – Công ty CP Hàng hải Dầu khí Hải Dương HADUCO chia sẻ, trong khi dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề tạm ngưng thì ngành hàng hải lại có xu hướng đi lên. Do thiếu nhân lực nên nhiều công việc đã tăng lương. Đây là ngành có nguồn nhân lực đa dạng như sĩ qua máy, sĩ quan boong, logistics…

Đây cũng là một trong những ngành có mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường cao nhất. Do đó, cơ hội làm việc trong ngành này khá rộng mở.

Điều quan trọng theo các chuyên gia là những sinh viên theo ngành cần trang bị ngoài kiến thức, sức khỏe, vốn ngoại ngữ, cần có các kỹ năng mềm, các kiến thức về văn hóa các quốc gia vì thuyền viên trên tàu đến từ nhiều quốc gia khác nhau…

Tính tới 1/10/2022, số lượng thuyền viên Việt Nam khoảng hơn 54.000, tăng hơn 11.000 thuyền viên so với năm 2012 (gần 43.000 thuyền viên). Số lượng thuyền viên tăng chủ yếu tăng ở chức danh thủy thủ và thợ máy, trong khi số lượng sĩ quan lại sụt giảm.

Cụ thể, số lượng đào tạo sĩ quan vận hành đạt khoảng 1.503 người và sĩ quan quản lý đạt 1.282 người vào năm 2012 thì tới năm 2022, con số tương ứng là 1.035 sĩ quan vận hành và 702 sĩ quan quản lý.

Bình luận