Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trau dồi kiến thức từ tour tham quan thực tế tại VWS

VOH - Ngày 20/12, 17 sinh viên năm 3 ngành Công nghệ môi trường thuộc khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) đến tham quan thực tế tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam.

Là địa chỉ tin cậy của nhiều trường học trong nước và quốc tế khi đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu quy trình xử lý rác, tái chế rác… tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), huyện Bình Chánh, TPHCM còn góp phần trau dồi kiến thức, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các bạn trẻ.

Ngày 20/12, 17 sinh viên năm 3 ngành Công nghệ môi trường thuộc khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) đến tham quan thực tế tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam. Mục đích nhằm phục vụ cho môn học Quản lý chất thải rắn trong sinh hoạt. Đây là một trong những môn học bắt buộc trong quá trình đào tạo của trường Đại học Văn Lang.

Trau dồi kiến thức từ tour tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước 1
Ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành của Công ty VWS chia sẻ quá trình đầu tư và vận hành của dự án - Ảnh: Song Nguyễn

Nồng nhiệt đón tiếp đoàn sinh viên, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành của Công ty VWS đã chia sẻ về quá trình đầu tư, vận hành nhà máy. Công ty VWS mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 6.500 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý tương đương 70% tổng lượng rác của toàn thành phố. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…

Các sinh viên cũng bày tỏ sự quan tâm đến bãi chôn lấp rác. Trả lời thẳng thắn, ông Kevin Moore cho biết, đây là bãi rác đúng chuẩn nhất tại Việt Nam. Hiện, bãi chôn lấp rác đang chứa trên 25 triệu tấn. Công suất của bãi vẫn chưa đầy, có thể tiếp nhận rác thêm vài năm nữa. Sau khi bãi chôn lấp rác đầy, có thể Công ty sẽ đưa rác xuống Long An, nơi đó đã được làm đường và hy vọng có thể tiếp nhận rác trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Tấn Lợi, Giảng viên Khoa Môi trường, trường Đại học Văn Lang, trước đây, khi Công ty VWS bắt đầu thành lập, trường đã đưa rất nhiều đoàn sinh viên đến tham quan, học tập thực tế. Tuy nhiên, từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, đây là đoàn sinh viên đầu tiên đến với Công ty VWS.

“Tại Công ty VWS, có rất nhiều cựu sinh viên của trường Đại học Văn Lang đến làm việc. Do đó, khi chúng tôi đưa sinh viên đến công ty học tập thực tế được Ban giám đốc công ty chào đón rất nồng nhiệt. Khi chúng tôi đến với bãi chôn lấp rác của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, các bạn sinh viên rất thích thú.

Đây là bãi chôn lấp rác duy nhất của Việt Nam được xây dựng theo tiểu chuẩn của bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tất cả các quy trình đều làm rất kỹ, rất tốt. Nếu không có bãi chôn lấp này sẽ rất khó để xử lý lượng chất thải rắn mỗi ngày được phát sinh tại TPHCM. Đây chính là một trong những lý do trường muốn đưa sinh viên đến Công ty VWS” – Tiến sĩ Lợi chia sẻ.

Trau dồi kiến thức từ tour tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước 2
Sinh viên tham quan nghe giới thiệu về quy trình xử lý rác thải - Ảnh: Song Nguyễn

Sinh viên năm 3, khoa Môi trường, Vương Thị Hằng cho biết, đây là lần đầu tiên tận thấy quy trình xử lý rác, cũng như thấy bãi chôn lấp rác. "Trước khi đến, em và nhiều bạn sinh viên khác đã chuẩn bị sẵn tinh thần là đến bãi chôn lấp rác sẽ có mùi rất hôi. Nhưng đi thực tế thì khác hẳn, hầu như không thấy mùi gì. Em có cảm giác như được đi du lịch chứ không phải đến nhà máy rác” – Hằng nói.

Còn bạn Xayyasongkham Soukphachan (người Lào) đang học tập lại trường Đại học Văn Lang tại rất hào hứng sau chuyến đi. Anh chàng sinh viên đã được Công ty VWS giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến quy trình xử lý rác, tái chế rác, đặc biệt là nhà máy phát điện từ khí gas bãi chôn lấp…

“Em mong muốn sau này sẽ ở lại Việt Nam để làm việc, nhất là được làm việc đúng ngành nghề liên quan đến môi trường. Đặc biệt, khi biết Công ty VWS có nhiều cựu sinh viên Văn Lang đã từng làm việc ở đây, em mong mình cũng có hội tại công ty” - Xayyasongkham Soukphachan kỳ vọng.

Bình luận