Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủy triều đỏ là gì? Vì sao lại trở thành nỗi khiếp sợ của ngư dân?

(VOH) – Một trong những hiện tượng kỳ bí trên Trái Đất có thể kể đến chính là thủy triều đỏ. Vậy thủy triều đỏ là gì, vì sao nó khiến cho ngư dân điêu đứng và khiếp sợ?

Hành tinh mà chúng ta đang sống vẫn luôn chứa đựng rất nhiều điều bất ngờ và thú vị, có những hiện tượng vô cùng đẹp mắt, hấp dẫn khiến con người phải ngỡ ngàng, nhưng cũng có những hiện tượng làm con người sợ hãi vì nó có thể gây ra nhiều thiệt hại cho sinh vật và môi trường sống, điển hình như hiện tượng “thủy triều đỏ” dưới đây.

1. Thủy triều đỏ là gì?

Thủy triều đỏ (tên khoa học Harmful Algal Blooms) là một thuật ngữ dùng để chỉ những hiện tượng bùng phát tảo biển nở hoa gây hại, đặc biệt là loài tảo Karenia brevis. Đây là hiện tượng chỉ sự phát sinh số lượng của loài tảo biển một cách đột biến, khiến cho nước biển đổi màu.

Ngày nay, các nhà khoa học thường thích sử dụng cái tên “tảo nở hoa’ để mô tả sự thay đổi màu sắc nước biển thay vì “thủy triều đỏ” như trước kia. Bởi nhìn chung, hiện tượng này vốn không liên quan đến chuyển động của thủy triều, mà nó chủ yếu là do sự nở hoa của các loài tảo.

thuy-trieu-do-voh-0
Thủy triều đỏ là một thuật ngữ dùng để chỉ những hiện tượng bùng phát tảo biển nở hoa

Họ phát hiện một số loại tảo có thể chứa các sắc tố quang hợp khác nhau về màu sắc. Khi chúng tập trung với mật độ cao sẽ khiến nước bị đổi màu từ tím đến gần hồng, xanh sang nâu đỏ. Điều này cũng đã giải thích hiện tượng thủy triều đỏ không nhất định sẽ có màu đỏ và không phải tất cả các trường hợp nước đổi màu đều liên quan đến hiện tượng “tảo nở hoa”.

Tuy không liên quan để chuyển động của triều cường, nhưng hiện tượng thủy triều đỏ lại có liên quan đến môi trường sống của các sinh vật biển và cũng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều ngư dân.

2. Nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ

Sự xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa có thể do nhiều nhân tố tác động, nhưng về cơ bản nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ tảo nở hoa có thể là do:

  • Hàm lượng khí oxy trong nước đột ngột giảm. Khi nhiệt độ tăng cao đột biến sẽ dẫn đến sự trao đổi của nước không ổn định. Từ đó, điều kiện dinh dưỡng trong môi trường cũng sẽ tăng bất thường.
  • Một lượng bụi giàu sắt từ các vùng sa mạc rộng lớn được gió đưa đến biển cũng tạo điều kiện thuận lợi để hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra.
  • Ngoài ra, sự xuất hiện thủy triều đỏ đôi khi là do bản thân một số loài tảo có chứa chất độc gây ra.

Như vậy, việc xuất hiện thủy triều đỏ tại một số địa điểm có thể là hoàn tự nhiên (tảo nở hoa theo chu kỳ, không do bất kỳ tác nhân bên ngoài nào). Nhưng một số trường hợp đây là kết quả của việc gia tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước từ các hoạt động của con người trong sinh hoạt và sản xuất.

3. Khi nào thủy triều đỏ xuất hiện?

Hiện tượng thủy triều đỏ thường xảy ra trong thời gian bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm tại nhiều vùng biển trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mỗi đợt thủy triều đỏ xuất hiện có thể kéo dài khoảng vài tuần, thậm chí lâu hơn một năm.  

Hiện tượng thủy triều đỏ tảo nở hoa thường xuất hiện gần bờ (các khu vực cửa sông, cửa biển hoặc vùng nước ngọt). Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể xảy ra cách bờ từ 10-40 dặm (tương đương 16-64km).

thuy-trieu-do-voh-1
Thủy triều đỏ tảo nở hoa thường xuất hiện gần bờ nhưng cũng có khi xảy ra ở các khu vực xa bờ

Ở Việt Nam, thủy triều đỏ cũng đã xảy ra ở nhiều khu vực, nhưng nơi có tần suất xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ nhiều nhất chính là tỉnh Bình Thuận.

Thời gian diễn ra thủy triều đỏ ở Bình Thuận thường vào khoảng tháng 6 – 7 hàng năm. Lúc này ven bờ biển sẽ xuất các bọt biển màu đỏ vàng, khiến cho tảo cá, các loại động và các loại rong tảo biển bị chết, phân hủy và bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, một số vùng biển khác của Việt Nam cũng có xuất hiện thủy triều đỏ như tại sông Ba, đoạn chảy qua xã Chư Ngọc huyện Krông Pa, Gia Lai (tháng 4/2016); một số vùng biển của Thừa Thiên Huế (năm 2017)…

Gần đây nhất là vào đầu tháng 3/2022, hiện tượng thủy triều đỏ tảo nở hoa cũng đã xuất hiện tại vùng biển Côn Đảo với diện tích khoảng 2.000m2, (chiều dài khoảng 200m, chiều ngang từ 2-3m).

4. Hậu quả của thủy triều đỏ là gì?

Thủy triều đỏ không phải là dự báo của thiên tai lũ lụt, cũng không hề chịu tác động của triều cường, nhưng nó được xem là một hiện tượng nguy hiểm và đáng sợ. Những tác động của thủy triều đỏ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các loài sinh vật biển cũng như sức khỏe và tính mạng con người.

4.1 Ảnh hưởng thủy triều đỏ đối với con người

Hiện tượng thủy triều đỏ có thể gây ra những ảnh hưởng đối với sức khỏe con người. Ví dụ, nếu chúng ta ăn phải sinh vật nhiễm độc tố từ loại tảo Karenia sẽ gây ra việc bị dị ứng mắt. Đồng thời hệ hô hấp cũng bị ảnh hưởng dẫn đến ho, hắt hơi, chảy nước mắt. Những người mắc các bệnh về hô hấp nặng kéo dài sẽ bệnh càng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Đặc biệt, trong thủy triều đỏ có chứa nhiều thành phần độc tố, khi chúng kết hợp nhau có khả năng gây tê liệt thần kinh.

4.2 Ảnh hưởng thủy triều đỏ đối với các loài sinh vật biển

thuy-trieu-do-voh-2
Sau mỗi đợt thủy triều đỏ khiến cho hàng ngàn tôm, cá, các lác loài thủy hải sản khác bị chết

Tương tự như con người, tác hại của thủy triều đỏ tảo nở hoa đối với các loại sinh vật biển là vô cùng nghiêm trọng. Chẳng hạn như khiến thủy hải sản, tôm, cá... dễ bị chết hàng loạt, hệ sinh thái bị phá vỡ, không khí không còn trong lành.

Những loại tảo không độc nở hoa và chết đi, quá trình tảo phân hủy sẽ hút cạn oxy có trong nước biển, khiến cho các loại sinh vật biển khó tồn tại. Thậm chí, lượng tảo biển sau khi bị phân hủy vẫn tồn tại trong nước, chúng bám vào màng nhầy ở trên mang của cá, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình hấp thụ khí oxy trong nước của cá.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những ảnh hưởng xấu do hiện tượng tảo nở hoa gây ra, thì tảo biển được xem là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi thức ăn dưới đại dương, bởi chúng cung cấp một lượng lớn thức ăn cho những loài động vật khác. 

4.3 Những tác động tiềm ẩn về kinh tế - xã hội

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi thủy triều đỏ xuất hiện càng ngày càng nhiều thì mức độ thiệt hại chúng gây ra với nền kinh tế - xã hội, con người càng cao.

Đó là lý do vì sao chúng ta cần nghiên cứu ra các giải pháp để giúp kiểm soát tảo độc hại trong những khu vực nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn môi trường nuôi, hệ sinh thái biển cũng như sản lượng thủy sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự nở hoa của tảo độc.

5. Một số hình ảnh về hiện tượng thủy triều đỏ táo nở hoa

Để giúp bạn có thể hình dung được về hiện tượng thủy triều đỏ cũng như ảnh hưởng của nó đối với đời sống và con người một cách trực quan nhất, hãy cùng theo dõi những hình ảnh dưới đây:

thuy-trieu-do-voh-3
Đợt thủy triều đỏ xảy ra dọc bờ biển La Jolla, California (Ảnh: Internet)
thuy-trieu-do-voh-4
Hiện tượng thủy triều đỏ tảo nở hoa (Ảnh: Robert Scribbler)
thuy-trieu-do-voh-5
Cá chết sau khi thủy triều đỏ xuất hiện (Ảnh: thewatchers)
thuy-trieu-do-voh-6
Cá chết hàng loạt ở vịnh Tampa (Ảnh: Tampa Bay Estuary Program)

Như vậy, hiện tượng thủy triều đỏ có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và gây ra rất nhiều tác hại nghiêm trọng cho con người và các sinh vật biển. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm để góp phần chung tay ngăn chặn một hiện tượng không mấy tốt đẹp này.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận