Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bằng chứng mới cho thấy nước đã từng tồn tại trên sao Hỏa

VOH - Dữ liệu do tàu thăm dò Perseverance của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập đã xác nhận sự tồn tại của trầm tích hồ nước cổ, từng lấp đầy một lưu vực khổng lồ trên sao Hỏa.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science Advances ngày 26/1 cho thấy, tàu thăm dò Perseverance của NASA đã phát hiện các trầm tích hồ cổ trên sao Hỏa, tiết lộ rằng hành tinh đỏ từng tồn tại những hồ nước lớn. 

Bằng chứng mới cho thấy nước đã từng tồn tại trên sao Hỏa 1
Hình minh họa về miệng núi lửa Jezero, địa điểm hạ cánh của tàu thăm dò Perseverance trên sao Hỏa. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nơi đây có thể từng là một hồ nước lớn và có dấu hiệu của sự sống - Nguồn: NASA

Dựa trên dữ liệu được thu thập bởi radar RIMFAX của tàu thăm dò Perseverance (thiết bị có thể quét phần dưới bề mặt của Sao Hỏa ở độ sâu tới 20m), nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California ở Los Angeles (UCLA), Mỹ và Đại học Oslo, Na Uy đã cung cấp bằng chứng rõ ràng về các lớp trầm tích đất được vận chuyển và lắng đọng bởi nước, hình thành nên hồ và đồng bằng trong quá khứ xa xưa.

Nhờ sử dụng radar giúp tạo ra hình ảnh dưới bề mặt sao Hỏa, hiển thị các lớp đá và cung cấp thông tin có giá trị về thành phần của lớp địa tầng phía dưới bề mặt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện lịch sử địa chất phức tạp của miệng núi lửa Jerezo; đồng thời chứng minh rằng, tàu thăm dò đã đến đúng vị trí để khảo sát môi trường sinh học cổ xưa của sao Hỏa.

Lịch sử biến động địa chất ở khu vực này đã được tái hiện rõ ràng, nhiều bằng chứng cho thấy, đá núi lửa là một phần của đáy miệng núi lửa ban đầu, sau đó được bao phủ bởi trầm tích hồ. Tuy nhiên, một số trầm tích đã bị xói mòn theo thời gian, làm lộ ra những tảng đá núi lửa. Các trầm tích đồng bằng ở miệng núi lửa Jezero chứa các hồ sơ trầm tích về các điều kiện có thể sinh sống được trên Sao Hỏa.

Bằng chứng mới cho thấy nước đã từng tồn tại trên sao Hỏa 2
Hình ảnh về mặt cắt xuyên đất từ dữ liệu radar RIMFAX thu thập được ở khu vực Hawksbill Gap của miệng núi lửa Jezero - Nguồn: NASA

Nhà khoa học hành tinh David Paige cho biết, kết quả phân tích radar RIMFAX trong báo cáo công bố ngày 26/1 đã cho thấy dấu hiệu xói mòn trước và sau khi hình thành các lớp trầm tích được xác định ở rìa phía tây của miệng núi lửa, chứng tỏ lịch sử địa chất phức tạp ở khu vực này.

Trầm tích hồ ước tính khoảng 3 tỷ năm tuổi. Các nhà khoa học cũng đang mong chờ một cuộc khảo sát kỹ lưỡng hơn các trầm tích của miệng núi lửa Jerezo trong các mẫu đất đá được tàu Perseverance thu thập và chuyển về Trái Đất trong tương lai.

Bình luận