Thiên hà này được phát hiện thông qua Kính thiên văn Không gian James Webb (JWST) của NASA.
Các nhà khoa học đã nhận thấy một thiên hà có tín hiệu ánh sáng bất thường, cho thấy khí của nó phát sáng mạnh hơn cả các ngôi sao. Chưa từng có thiên hà nào như vậy được quan sát trước đây.
Thiên hà này tồn tại khoảng một tỷ năm sau vụ nổ lớn. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể là một phần thiếu hụt trong quá trình tiến hóa thiên hà, thể hiện thời gian giữa các ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ và các thiên hà đã được xác định rõ ràng mà chúng ta biết đến.
Nhà nghiên cứu Alex Cameron từ Đại học Oxford cho biết: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nhìn vào quang phổ của thiên hà là, ‘điều này thật kỳ lạ,’ và đó chính xác mục đích kính thiên văn Webb được thiết kế để khám phá: những hiện tượng hoàn toàn mới trong vũ trụ sơ khai sẽ giúp chúng ta hiểu được câu chuyện vũ trụ bắt đầu.”
Khi phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các mô hình máy tính về những gì sẽ xảy ra nếu các đám mây khí vũ trụ bị đốt nóng bởi những ngôi sao khổng lồ, rất nóng, khiến cho khí phát sáng rực rỡ hơn cả các ngôi sao.
Các mô hình này khớp gần như hoàn hảo với những quan sát từ kính thiên văn Webb.
Các nhà nghiên cứu tin rằng thiên hà này đang hình thành các ngôi sao một cách mạnh mẽ bên trong một đám mây khí.
Đám mây này nhận được rất nhiều ánh sáng từ các ngôi sao đang hình thành, khiến nó phát sáng rực rỡ khắp vũ trụ, để các nhà nghiên cứu có thể quan sát được.
Thiên hà mới được phát hiện này, được đặt tên là thiên hà 9422, vẫn còn là một điều bí ẩn ở nhiều khía cạnh.
Hiện tại, vẫn chưa rõ thiên hà này có tính đại diện như thế nào cho các thiên hà ở giai đoạn này của vũ trụ, hoặc nó có thể phát triển ra sao từ những thiên hà ở giai đoạn tiến hóa sớm hơn.
Cameron cho biết “Đây là một thời điểm rất thú vị, khi chúng ta có thể sử dụng kính thiên văn Webb để khám phá giai đoạn trong vũ trụ mà trước đây từng không thể tiếp cận. Chúng ta chỉ mới bắt đầu với những phát hiện và hiểu biết mới.”