Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hai tháng cuối năm 2021, bầu trời sẽ có nguyệt thực, nhật thực, mưa sao băng, sao chổi

(VOH) - Trong hai tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú diễn ra trên bầu trời Trái đất như nguyệt thực, nhật thực, mưa sao băng, sao chổi.

Nguyệt thực - ngày 19/11

Bắc Mỹ và Nam Mỹ là nơi thuận lợi nhất để chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào trước bình minh ngày 19/11. Mặt trăng lúc này đi qua phần bóng tối phía nam của Trái đất được gọi là umbra, và bị che phủ tới 97,5%.

Ở pha cực đại, Mặt trăng có thể hiện ra như nguyệt thực toàn phần trong một khoảng thời gian ngắn, với màu cam hoặc đỏ.

Các giai đoạn sớm của nguyệt thực sẽ có thể nhìn thấy từ Vương quốc Anh và các vùng của Bắc Âu trước khi mặt trăng lặn. Đông Á và Australia cũng có thể quan sát thấy sau khi mặt trăng mọc vào cuối buổi tối hôm đó. 

Nguyệt thực
Nguyệt thực cuối cùng năm 2021 sẽ xảy ra vào tháng 11 (Ảnh: see.news)

Theo trang vatlythienvan, tại Việt Nam chỉ quan sát được một phần diễn biến của sự kiện Nguyệt thực một phần lần này, bắt đầu từ lúc 17h21 khi Mặt Trăng mọc lên từ đường chân trời cho đến khi kết thúc.

Nguyệt thực có thể quan sát an toàn, kể cả với trẻ em, mà không cần đến các biện pháp bảo vệ nào. Sử dụng kính thiên văn hoặc ống nhòm để có những trải nghiệm tốt nhất.

Nhật thực - ngày 14/12

Sự kiện Nhật thực cuối cùng của năm 2021 diễn ra vào ngày 14/12 nhưng sẽ chỉ quan sát thấy từ Nam Cực. Các quốc gia ở nam bán cầu như Nam Phi, Namibia và Botswana, cũng như Tasmania, các phần phía nam của bang New South Wales và Victoria ở Australia và một phần nhỏ ở cực nam New Zealand và Đảo Stewart có thể quan sát được nhật thực một phần.

Xem thêm: Quan sát nhật thực như thế nào để không hỏng mắt?

Mưa sao băng – tháng 11 và 12

* Các trận mưa sao băng Taurid với ánh sáng yếu và kéo dài sẽ có thể dễ dàng quan sát trong khoảng 2 tuần kể từ 20/10 và sẽ đạt cực đại vào ngày 8/11, bốn ngày sau khi trăng non. 

Những người yêu thích thiên văn khi quan sát dưới bầu trời đêm quang đãng sẽ thấy khoảng từ 8 đến 10 sao băng Taurid mỗi giờ trong suốt đầu và giữa tháng 11, và có thể lên tới hàng chục sao băng mỗi giờ vào đêm cao điểm. 

* Mưa sao băng Leonids (mưa sao băng Sư Tử), đạt cực đại vào ngày 17/11 là sự kiện đẹp nhất. Tuy nhiên, do gần với ngày trăng tròn nên phần lớn các sao băng rực rỡ sẽ bị lu mờ, không có cơ hội tỏa sáng.

Mưa sao băng Leonids là trận mưa sao băng trung bình với tần suất 15 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Sư Tử có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi Tempel-Tuttle, được phát hiện năm 1865.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 06 – 30/11. Cực điểm năm nay của Sư Tử rơi vào đêm 17, rạng sáng 18/11. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Các sao băng sẽ bắt nguồn từ chòm sao Leo, nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời.

* Mưa sao băng Geminid (mưa sao băng Song Tử) đạt cực đại vào đêm 13 – 14/12 với đặc điểm các quả cầu lửa di chuyển chậm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của ánh trăng khuyết trong hầu hết thời gian này nên việc quan sát sẽ bị cản trở đáng kể.

Các sao băng Song Tử có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982. Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 07 – 17/12. Cực điểm năm nay của Song Tử rơi vào đêm 13, rạng sáng 14/12. Mưa sao băng này có tần suất lên đến 120 sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ tại cực điểm.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Các sao băng sẽ bắt nguồn từ chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời.

Sao chổi – ngày 12/12

Vào ngày 12/12/2021, sao chổi Leonard - kí hiệu C/2021 A1 - sẽ bay qua trong phạm vi 34,9 triệu km so với Trái đất và tới ngày 3/1/2022, nó sẽ di chuyển trong phạm vi 92 triệu km so với Mặt trời. 

Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 12, sao chổi Leonard có thể quan sát được trong vài giờ trước khi mặt trời mọc, ở khoảng thấp trên bầu trời đông - đông bắc, gần các chòm sao Coma Berenices, Boötes và Serpens Caput. 

Đến nửa sau tháng 12, khi sao chổi đến gần Mặt trời hơn, nó sẽ dần bị chìm dần vào ánh sáng của bình minh và cuối cùng biến mất khỏi tầm nhìn. 

Bình luận