Phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí PLOS One ngày 09/04.
Ông Tone Blakesley, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, phát hiện này cho thấy một khoảnh khắc yên bình trong cuộc sống của loài khủng long, có thể khi chúng đang uống nước hoặc di chuyển giữa các khu vực có thảm thực vật, trong đó, các loài ăn cỏ không bị đe dọa ngay lập tức bởi các loài săn mồi.
Theo ông Blakesley, những dấu chân hóa thạch này mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi và sự tương tác giữa các loài khủng long với môi trường sống, điều mà xương hóa thạch không thể cung cấp được.

Dấu chân hóa thạch do loài khủng long megalosaur để lại được nhìn thấy tại đảo Skye, Scotland. - Ảnh: Reuters.
Dù chưa thể xác định chính xác loài nào đã để lại dấu chân, nhưng dựa vào kích thước và hình dạng của chúng, các nhà nghiên cứu tin rằng đây là dấu vết của nhóm khủng long ăn thịt (theropod), có thể là họ hàng của loài megalosaur.
Loài Megalosaurus sống khoảng 100 triệu năm trước, là họ hàng xa của loài khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus), có chiều dài khoảng 6 mét, đi bằng hai chân và có hàm răng lớn sắc nhọn. Đây cũng là một trong những loài khủng long đầu tiên được các nhà khoa học phát hiện và đặt tên vào năm 1824.
Trong khi đó, dấu chân của các loài khủng long ăn cỏ có thể thuộc nhóm khủng long sauropod, loài nổi bật với chiếc cổ dài, có thân hình đồ sộ, đầu nhỏ và hàm răng chuyên ăn thực vật.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những dấu chân của loài theropod tại đảo Skye có chiều dài khoảng 45 cm, có dấu vết rõ của 3 ngón chân, các lớp đệm cơ và móng vuốt sắc nhọn. Trong khi đó, dấu chân của loài sauropod có hình tròn, rộng khoảng 50 cm, hơi mở rộng về phía trước và đôi khi lưu lại dấu vết của 4 ngón chân ngắn hình tam giác tù.
Tổng cộng có khoảng 20 cá thể khủng long đã để lại những dấu chân hóa thạch này. Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị bay không người lái để khảo sát hiện trường và tạo mô hình kỹ thuật số cho từng lối đi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những con khủng long này từng sinh sống giữa lòng của một vùng cửa sông rộng lớn, bao quanh bởi rừng cây rậm rạp với các loài thực vật như cây lá kim, cây dương xỉ và cây bạch quả, những loài cây vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Ngoài dấu chân của loài theropod và loài sauropod được phát hiện tại khu vực đầm phá, các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu vết của các loài khủng long ăn cỏ khác như loài stegosaur và loài ornithopod ở các vùng đất khô ráo hơn, cách xa đầm phá.
Cùng sinh sống trong hệ sinh thái này còn có cá sấu, kỳ giông, thằn lằn, rùa, các loài thú nhỏ và bò sát bay cổ đại (pterosaur). Thời kỳ này xuất hiện trước cả khi hóa thạch của loài chim cổ nhất từng được ghi nhận.
Ông Steve Brusatte, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định: “Những dấu chân có niên đại lâu đời như vậy rất hiếm gặp, nhưng khi được phát hiện, chúng mang lại bằng chứng trực tiếp về hành vi của các loài khủng long”.