Thiên hà này xuất hiện khi vũ trụ chỉ mới 330 triệu năm tuổi, đặt ra nhiều câu hỏi về cách các vì sao và thiên hà đầu tiên hình thành sau vụ nổ Big Bang.
JADES-GS-z13-1 là một trong những thiên hà xa xôi nhất từng được phát hiện. Ánh sáng từ thiên hà này đã di chuyển suốt 13,5 tỉ năm trước khi chạm đến kính viễn vọng của con người.

Dữ liệu từ JWST cho thấy dù hình thành rất sớm trong lịch sử vũ trụ, JADES-GS-z13-1 đã có cấu trúc rõ ràng, không chỉ là một đám khí bụi mà là một thiên hà thực thụ. Điều này đặt ra nghi vấn lớn về thời điểm xuất hiện những ngôi sao đầu tiên.
Theo lý thuyết phổ biến hiện nay, vũ trụ sau vụ nổ Big Bang ban đầu là một biển hạt sơ khai, chủ yếu gồm proton, neutron và electron. Khi vũ trụ nguội dần, các hạt này kết hợp tạo thành nguyên tử hydro trung tính, hình thành một lớp sương mù dày đặc che khuất ánh sáng.
Các ngôi sao và thiên hà đầu tiên ra đời phát ra tia cực tím, dần làm ion hóa lớp khí này, cho phép ánh sáng truyền đi. Giai đoạn đó được gọi là "Kỷ nguyên tái ion hóa", và được cho là kết thúc khoảng 1 tỉ năm sau Big Bang. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính xác khi nào giai đoạn này bắt đầu.
Mô hình vũ trụ của NASA dự đoán rằng ngôi sao đầu tiên xuất hiện vào khoảng 400 triệu năm sau Big Bang. Một số nhà khoa học khác thậm chí cho rằng mốc thời gian này có thể còn muộn hơn.
Sự tồn tại của JADES-GS-z13-1 đã làm lung lay giả thuyết đó, bởi lẽ nếu thiên hà này hình thành chỉ 330 triệu năm sau Big Bang, thì các ngôi sao đầu tiên phải ra đời trước đó rất lâu. Điều này có thể khiến các nhà khoa học phải điều chỉnh lại mốc thời gian của vũ trụ sơ khai.
TS Kevin Hainline từ Đại học Arizona (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, nhận định phát hiện này cho thấy con người có thể chưa hiểu hết về cách vũ trụ tiến hóa.
"Chúng ta có thể đã sai về thời điểm các vì sao đầu tiên hình thành và vai trò của chúng trong quá trình tái ion hóa vũ trụ," ông nói.