Rome đối mặt nguy cơ "biến mất" vì biến đổi khí hậu

VOH - Thành phố Rome, thủ đô nước Ý với hơn 2.700 năm lịch sử, đang được các chuyên gia cảnh báo có thể trở thành một trong những đô thị lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Nếu tình hình không cải thiện, thành phố này có thể không còn phù hợp để sinh sống trong vòng 25 năm tới.

Rome được biết đến là điểm đến du lịch nổi bật của châu Âu, thu hút khoảng 35 triệu lượt khách trong năm 2023. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 4,3 triệu người, với những công trình cổ kính như Đấu trường La Mã, đền Pantheon và nhiều địa danh tôn giáo, lịch sử mang dấu ấn La Mã cổ đại và thời kỳ Phục Hưng.

rome_voh
Rome là thành phố lâu đời nhất trong danh sách bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. - Ảnh Express

Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm chuyên gia đến từ Prime Casino, thành phố này đang đứng đầu trong danh sách các đô thị có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu đã phân tích hàng loạt yếu tố, từ độ tuổi thành phố, mật độ di tích lịch sử, địa điểm tôn giáo, bảo tàng, cho đến tình trạng thời tiết cực đoan. Mỗi tiêu chí được chấm điểm trên thang điểm mười, và Rome đạt mức 8,68 điểm – cao nhất trong danh sách.

“Rome không chỉ là một thành phố có tuổi đời lâu nhất trong danh sách, mà còn sở hữu mật độ cao các công trình văn hóa – lịch sử. Chẳng hạn, có đến 18 địa điểm tôn giáo trên 100.000 dân, cùng 12 di tích lịch sử trên cùng mật độ dân số,” nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Tình trạng thời tiết cực đoan tại Rome đang ngày càng nghiêm trọng. Nhiệt độ tăng cao, mùa hè kéo dài, lượng mưa suy giảm và các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn đang tạo nên mối lo ngại lớn đối với cư dân cũng như khách du lịch.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong vòng 100 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Ý đã tăng khoảng 1 độ C. Xu hướng này đang diễn ra nhanh hơn trong vài thập kỷ gần đây. Nếu tình trạng phát thải khí nhà kính tiếp tục ở mức cao, đến năm 2050, nhiệt độ trung bình hàng năm ở Ý có thể tăng thêm 2,4 độ C.

Tổ chức Climate Reality Project nhận định, nước Ý đang nằm trong nhóm quốc gia tuyến đầu chịu tác động từ cuộc khủng hoảng khí hậu. Tình trạng nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài và nguy cơ cháy rừng gia tăng đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, từ y tế cộng đồng, nông nghiệp đến cơ sở hạ tầng đô thị.

Báo cáo của tổ chức này cho biết: “Nhiệt độ cao kết hợp với điều kiện khô hạn tạo môi trường lý tưởng cho cháy rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, môi trường và chất lượng không khí. Nếu không có hành động quyết liệt nhằm giảm phát thải khí nhà kính, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài hơn.”

Với lịch sử hơn 2.700 năm và vai trò quan trọng trong văn hóa, tôn giáo và du lịch châu Âu, sự biến mất của Rome không chỉ là mất mát về mặt địa lý mà còn là tổn thất to lớn về di sản nhân loại.

Bình luận