Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sao chổi xanh “ghé thăm” Trái đất sau gần 50.000 năm

(VOH) – Sau gần 50.000, sao chổi xanh lá cây C/2022 E3 (ZTF) được dự đoán sẽ “ghé thăm” Trái đất lần nữa vào trưa 2/2 theo giờ Việt Nam.

Theo Livescience, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) sẽ có cú áp sát Trái đất vào ngày 1 và 2/2 (tùy theo múi giờ). Người Trái đất có thể phát hiện và ngắm sao chổi bằng mắt thường nếu quan sát đúng nơi, đúng lúc.

Sao chổi xanh “ghé thăm” Trái đất sau gần 50.000 năm 1
Sao chổi xanh có cú áp sát Trái đất vào trưa 2/2 theo giờ Việt Nam - Nguồn ảnh: NASA/MSFC

Trong lần tiếp cận này, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) chỉ cách Trái đất khoảng 42,8 triệu km. Điểm áp sát rơi vào khoảng trưa 2/2 theo giờ Việt Nam, nên người dân Việt Nam sẽ quan sát được nó rõ nhất vào đêm 2/2.

Người quan sát ở Bắc Bán cầu có thể thấy sao chổi trên bầu trời không bị ô nhiễm ánh sáng nhiều, thậm chí bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường nếu điều kiện thuận lợi. Trường hợp không đủ điều kiện quan sát, có thể trang bị thêm ống nhòm hay kính thiên văn để ngắm sao chổi C/2022 E3 (ZTF) được rõ hơn.

Những người quan sát nên tìm kiếm sao chổi C/2022 E3 (ZTF) khi Mặt trăng sáng mờ trên bầu trời. Theo trang Starlust, C/2022 E3 (ZTF) sẽ nằm ở chòm sao Camelopardalis trong thời gian tiếp cận Trái đất.

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) có đường kính ước tính khoảng 1km, được cấu thành từ bụi và băng, giải phóng ra những tia sáng màu xanh lục nhạt. Màu xanh huyền ảo này xảy ra do hiện tượng thăng hoa mà nó đã trải qua trong cú tiếp cận gần Mặt trời vừa qua.

Nguồn gốc của C/2022 E3 (ZTF) có thể đến từ một đám mây Oort lớn bao quanh Hệ Mặt trời. Nơi đây được cho là có thể chứa rất nhiều vật thể băng huyền bí. C/2022 E3 (ZTF) có chu kỳ khoảng 50.000 năm. Điều đó có nghĩa nó đã từng “ghé thăm” Trái đất vào thời Đồ đá cũ. Những người có thể từng trông thấy C/2022 E3 (ZTF) là người tinh khôn (Homo sapiens) thuở sơ khai và người Neanderthal tuyệt chủng cách đây 10.000 năm.

Lần này, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) được phát hiện lần đầu tiên khi nó bay bên trong quỹ đạo sao Mộc hồi tháng 3/2022. Nhiều chuyên gia dự đoán, có khả năng sau “chuyến thăm” này C/2022 E3 (ZTF) sẽ biến mất hoàn toàn khỏi Hệ Mặt trời.

Bình luận