Loài bò sát đã tuyệt chủng này là Deinosuchus, một trong những loài cá sấu lớn nhất từng tồn tại. Chúng có thân hình dài gần bằng một chiếc xe buýt và răng to bằng quả chuối. Khu vực sinh sống của chúng là ở các con sông và cửa sông Bắc Mỹ, vào khoảng 82 triệu đến 75 triệu năm trước.

Không như các loài cá sấu thường thấy, cấu trúc hộp sọ của Deinosuchus rộng, dài và có một cục u phình ra. Vết tích răng trên các mảnh xương của Deinosuchus từ kỷ Phấn trắng cho thấy đây từng là kẻ săn mồi hoặc ăn xác khủng long.
Phân tích mới nhất về hóa thạch và đối chiếu với DNA của các loài cá sấu hiện nay xác thực Deinosuchus thuộc về một phần khác của cây phả hệ cá sấu.
Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Communications Biology ngày 23/4, các nhà khoa học nhận định rằng Deinosuchus vẫn giữ nguyên tuyến muối, cơ quan bài tiết muối dư thừa, của loài cá sấu tổ tiên. Yếu tố này giúp chúng chịu được nước mặn.
Nhờ thích nghi với nước mặn, Deinosuchus đã vượt qua Đường biển Western Interior từng chia cắt Bắc Mỹ trong giai đoạn khí hậu nhà kính với mực nước biển toàn cầu dâng cao. Vì thế Deinosuchus phân bố rộng khắp lục địa, chiếm lĩnh các vùng đầm lầy ven biển ở hai bờ của vùng biển nội địa cổ, cũng như dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ.

Phát hiện này bổ sung thêm vào hiểu biết về cách một số loài thích nghi với khí hậu thay đổi trong khi những loài khác đã tuyệt chủng. Tuyến muối giúp Deinosuchus di chuyển đến nơi mà loài cá sấu mõm ngắn “họ hàng” không thể đến.
Deinosuchus định cư trong môi trường sống đầy rẫy những con mồi lớn, và đã tiến hóa để trở thành một loài săn mồi khổng lồ và thống trị các hệ sinh thái đầm lầy.
Ông Marton Rabi tại Viện Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Tubingen (Đức), tác giả nghiên cứu, cho biết: “Không con vật nào được an toàn ở những vùng đất ngập nước khi Deinosuchus còn tồn tại”.