Ngay khi cảm thấy trí nhớ của mình kém đi, chúng ta rất dễ đặt ra câu hỏi: “có phải tôi đang có dấu hiệu mắc chứng mất trí nhớ hay không?”
Bác sĩ tâm lý chỉ ra rằng, mặc dù một số bất thường về sinh lý có thể dẫn đến suy giảm nhận thức và mất trí nhớ nhưng không phải tất cả các vấn đề về trí nhớ đều là chứng sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi.
Thiếu vitamin B12 là một trong những nguyên nhân có thể xảy ra. Trong trường hợp thiếu nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ không thể hồi phục.
Bác sĩ tâm lý cho biết, có 4 nhóm người nên thường xuyên kiểm tra nồng độ B12 trong cơ thể để giúp chẩn đoán chứng suy giảm nhận thức và trí nhớ.

Thiếu hụt vitamin B12 dẫn tới nguy cơ sa sút trí tuệ do dùng thuốc lâu dài
Vưu Quán Đường, bác sĩ tâm lý giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) giải thích rằng, việc sử dụng lâu dài thuốc kháng axit, thuốc dạ dày, metformin và các loại thuốc khác có thể làm giảm sự hấp thu vitamin B12. Khi hấp thu vitamin B12 không đủ sẽ nảy sinh nhiều rủi ro về sức khỏe.
Ngoài ra, những người ăn chay (đặc biệt là người ăn chay thuần), những người lạm dụng bóng cười, nghiện rượu lâu ngày, những người đã trải qua phẫu thuật đường tiêu hóa (chẳng hạn như phẫu thuật giảm béo) và người già (giảm tiết axit dạ dày ảnh hưởng đến sự hấp thụ) cũng nên đặc biệt chú ý đến sự thiếu hụt vitamin B12 .
Khi chỉ số quá thấp, nên tăng gấp 3 lần
Bác sĩ Vưu Quán Đường cho biết, theo tiêu chuẩn xét nghiệm y tế hiện hành, chỉ số bình thường của vitamin B12 là >133 pmol/L (hoặc >180 pg/mL).
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, nồng độ B12 dưới 300 pmol/L có thể gây tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây thoái hóa chất trắng trong não, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy rằng, ngay cả khi mức B12 nằm trong phạm vi chỉ số bình thường (148~410 pmol/L), những thay đổi về thần kinh vẫn có thể xảy ra.
Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, tiêu chuẩn nồng độ B12 có thể cần phải tăng ít nhất ba lần (từ 148 pmol/L lên 410 pmol/L) để ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái thần kinh.
Người ăn chay cần chú ý hơn đến việc bổ sung vitamin B12
Ăn chay lâu dài có thực sự gây mất trí nhớ? Trước hết, bác sĩ Vưu Quán Đường nói rằng, việc ăn chay và chứng mất trí nhớ không đồng nghĩa với nhau, nhưng ăn chay có khả năng làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Việc ăn chay lâu dài dễ làm cho cơ thể thiếu hụt vitamin B12, từ đó dẫn đến mất trí nhớ và các triệu chứng ban đầu của chứng sa sút trí tuệ hay còn gọi là chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như không thể tìm thấy đồ vật để chỗ nào. Đây là một loại bệnh mất trí nhớ do mất cân bằng dinh dưỡng, thuộc bệnh mất trí nhớ. Điều trị kịp thời có thể dẫn đến sự phục hồi.
8 triệu chứng chính nên cân nhắc đến việc kiểm tra nồng độ B12
Bác sĩ Vưu Quán Đường khuyến cáo rằng, nếu chúng ta có 8 triệu chứng chính như giảm trí nhớ, tâm trạng thất thường, mệt mỏi và suy nhược, đánh trống ngực, tê tay chân, đắng miệng, chán ăn và khó thở, chúng ta nên cân nhắc đến việc kiểm tra nồng độ B12, mục đích là để giúp chẩn đoán xác định có mắc chứng suy giảm nhận thức và trí nhớ hay không?
Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là nguồn cung cấp vitamin B12 chính bao gồm thịt bò, thịt heo, thịt gà, trứng, các sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua) và các loại cá (cá thu, cá hồi), nghêu, sò…
Riêng người ăn chay có thể bổ sung vitamin B12 thông qua men dinh dưỡng, ngũ cốc và sữa thực vật hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng vitamin B12.
Những ai nên kiểm tra nồng độ vitamin B12 thường xuyên để tránh tổn thương hệ thần kinh
Bác sĩ Vưu Quán Đường một lần nữa nhấn mạnh rằng, những người ăn chay, người già, người nghiện rượu lâu ngày hoặc những người trải qua phẫu thuật đường tiêu hóa nên thường xuyên kiểm tra nồng độ vitamin B12 và duy trì hấp thụ đủ lượng vitamin B12 thông qua việc bổ sung dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng để tránh những tổn thương không thể phục hồi đối với hệ thần kinh, trong đó có chứng suy giảm nhận thức và mất trí nhớ.