Tiêu điểm: Nhân Humanity

3 điều bạn tuyệt đối không được phép làm khi bị hóc xương cá

( VOH ) - Hóc xương cá là ‘tai nạn’ không một ai mong muốn gặp phải, bởi nó không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu mà còn làm ảnh hưởng đến thực quản. Vậy cần làm gì khi bị hóc xương?

Trong hầu hết các loại thực phẩm, cá là món ăn được khuyến cáo rất tốt cho sức khỏe và cần phải bổ sung thường xuyên. Thế nhưng, có một vấn đề khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em và người già ngại ăn cá chính là hóc xương cá.

Hóc xương cá là ‘tai nạn’ rất thường gặp khi ăn uống bất cẩn, hoặc thậm chí có những người đã rất cẩn thận mỗi khi ăn cá đều gỡ thịt ra khỏi xương, nhưng thực tế cho thấy nhiều mảnh xương vụn, khá sắc vẫn ẩn nấp trong phần thịt và khi ăn chúng có thể sẽ bị mắc ngay ở cổ họng.

Đa phần các trường hợp hóc xương cá nhỏ, bạn sẽ chỉ bị khó chịu trong một khoảng thời gian và việc xử lý cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu bị mắc xương to, sắc nhọn thì bạn rất dễ gặp phải nguy cơ thủng mạch máu và thực quản, bạn cần đi thăm khám bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

1. 3 điều không nên làm khi bị hóc xương cá

Nhiều người khi bị hóc xương cá thường cố gắng khạc nhổ hoặc làm mọi cách để có thể lấy xương ra. Tuy nhiên, nếu làm không đúng cách xương cá có thể cắm sâu vào họng hoặc rơi xuống phần thấp hơn khiến việc xử lý càng khó hơn.

3-dieu-ban-tuyet-doi-khong-duoc-lam-khi-bi-hoc-xuong-ca-VOH

Nên dừng lại các hoạt động ăn uống khi bị hóc xương cá (Nguồn: Internet)

Do đó, khi bị hóc xương cá bạn tuyệt đối không nên làm những điều sau đây:

  • Không nên ăn một miếng cơm to hoặc nuốt thức ăn để xương theo đồ ăn trôi xuống, vì điều này có thể làm xương có thể cắm sâu hơn vào họng hoặc rơi xuống thấp hơn.
  • Một khi bị hóc xương cá, bạn nên dừng lại tất cả các hoạt động ăn uống vì nếu tiếp tục có thể khiến dị vật bị đâm sâu vào cổ họng gây tổn thương.
  • Tuyệt đối không khạc nhổ nhiều bởi sẽ làm tăng cảm giác đau rát khó chịu và ảnh hưởng đến thực quản của bạn.

Cách tốt nhất khi bị mắc xương cá chính là bạn nên đi đến cơ sở y tế ngay lập tức. Đừng cố ăn bất cứ thứ gì để ‘đẩy’ dị vật xuống cổ họng. Ngoài ra, cũng đừng nên thực hiện theo những mẹo dân gian chữa hóc xương cá bởi rủi ro xương cá có thể cắm sâu hơn là rất cao.

Xem thêm: Hóc xương cũng nguy hiểm chết người

2. Một số lời khuyên khi ăn cá

Các chuyên gia về tai mũi họng tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra một số biện pháp để tránh nuốt phải xương cá là:

  • Nên hạn chế việc vừa cười, vừa nói mỗi khi đang ăn cá.
  • Gỡ bỏ xương cá ngay trong đĩa (bát), không nên cho cả miếng cá vào miệng, rồi sử dụng lưỡi và răng để gỡ xương ra.
  • Những người đeo răng giả càng phải cẩn thận hơn mỗi khi ăn cá. Hãy nhai thật cẩn thận.
  • Khi ăn,các món bún, mì, cơm chung với cá, cần lưu ý kỹ vì xương cá dễ lẫn vào thức ăn gây hóc.
  • Nên ăn cá phi-lê vì hầu hết xương đã được gỡ bỏ trong quá trình chế biến.
  • Xé cá thành những miếng nhỏ để bạn có thể cảm nhận hoặc thấy được những mẩu xương nhỏ li ti. Đừng nhai dối và nuốt vội mỗi khi ăn cá.

3-dieu-ban-tuyet-doi-khong-duoc-lam-khi-bi-hoc-xuong-ca-1-VOH

Xương cá phi lê thường đã được gỡ bỏ trong quá trình chế biến (Nguồn: Internet)

3. Cách lọc xương cá để không bị hóc xương

3.1 Chọn cá

Khi mua cá hãy chọn những con cá to để hạn chế lượng xương dăm trong cá. Những con cá lớn sẽ có lượng xương ít hơn, đồng thời xương to sẽ dễ phát hiện hơn.

3.2 Các bước lọc xương cá

  • Bước 1: Dùng sống dao to đập vào đầu cho cá chết rồi đánh sạch vảy.
  • Bước 2: Dùng kéo cắt bỏ các vây quanh mình cá cho sạch.
  • Bước 3: Chọc kéo vào ức cá và cắt dọc xuống đến rốn, phanh bụng lôi ruột ra ngoài, rửa sạch khoang bụng. Có thể lấy đi phần màng đen bên trong bụng cá (nếu có) để cá không còn mùi tanh.
  • Bước 4: Dùng dao cắt xương con hai bên xương sống cá.
  • Bước 5: Cắt bỏ hết phần xương sống bằng kéo.
  • Bước 6: Dùng dao lưỡi mỏng lạng bỏ 2 phần bên hông xương sống của cá.

Hóc xương cá không chỉ gây khó chịu, những trường hợp hóc xương cá to có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do vậy, khi bị hóc xương cá bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có được hướng xử lý tốt nhất nhé..

Bình luận