Người thận yếu không nên ăn loại trái cây nào?

VOH - Tăng huyết áp là một trong những biểu hiệu xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh thận.

Con người hiện đại ngày nay luôn bận rộn với công việc và chịu nhiều áp lực, khiến chế độ ăn uống và lối sống ngày càng trở nên không lành mạnh và các vấn đề sức khỏe về thận ngày càng trở nên phổ biến.

Theo ước tính, tỷ lệ mắc bệnh thận ở Đài Loan (Trung Quốc) đã vượt quá 12%. Mọi người có biết rằng, nhiều bệnh thận thực sự sẽ phát ra dấu hiệu cảnh báo thông qua “huyết áp cao” lúc ban đầu hay không?

benh-than-khong-nen-an-trai-khe
Tăng huyết áp có liên quan chặt chẽ đến bệnh thận, vì vậy nếu muốn ngăn ngừa bệnh thận, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tránh bị huyết áp cao - Ảnh: TVBS

Chức năng chính của thận: giải độc, dẫn lưu và tạo máu

Bác sĩ Tưởng Hằng Bân, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu của Bệnh viện Tú Truyền Cao Hùng (Đài Loan) giải thích rằng, chức năng của thận có thể được tóm tắt đơn giản thành ba chức năng chính: chức năng thứ nhất là chức năng giải độc, chức năng thứ hai là chức năng tiểu tiện và dẫn lưu, chức năng thứ ba liên quan chặt chẽ đến quá trình tạo máu.

Tăng huyết áp đôi khi không hề đơn giản. Bác sĩ Trịnh Ngọc Đường, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Đông Nguyên (Đài Loan) cho biết, nếu huyết áp trước đây bình thường nhưng gần đây đo được là 140, 150 hoặc 160 mmHg, nếu tăng huyết áp thì xét nghiệm chức năng thận là xét nghiệm cơ bản nhất, vì nhiều bệnh thận cũng biểu hiện bằng tăng huyết áp ngay từ đầu.

Bác sĩ Tưởng Hằng Bân cho biết, thận là cơ quan thầm lặng. Khi chức năng thận suy giảm dần, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và chức năng thận bất thường sẽ không được phát hiện trừ khi xét nghiệm máu.

Bởi vì thận thường được sử dụng để cân bằng nước, axit-bazơ và chất điện giải của cơ thể, điều hòa huyết áp, tạo máu và kích hoạt vitamin D.

Do đó, khi thận có vấn đề, các triệu chứng xuất hiện có thể bao gồm phù nề, vì lượng nước dư thừa không thể thải ra ngoài qua đường tiểu, nó sẽ tích tụ trong cơ thể.

Bệnh tiểu đường, huyết áp cao và thuốc giảm đau là thủ phạm gây ra bệnh thận

Nguyên nhân gây tổn thương thận là gì? Bác sĩ Trịnh Ngọc Đường cho biết, những thực phẩm có thể gây bệnh thận bao gồm chế độ ăn nhiều muối, nhiều đường, cũng như sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau trong thời gian dài, có thể làm suy giảm chức năng thận, cũng như gây ra tình trạng sủi bọt trong nước tiểu và phù nề. Chúng ta cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên nói chung và kiểm tra sức khỏe thận nói riêng để đảm bảo chức năng thận luôn ổn định và khỏe mạnh.

Đối với người Đài Loan, nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận là bệnh tiểu đường, huyết áp cao, sử dụng thuốc giảm đau và thuốc thảo dược đông y không đúng cách.

Bác sĩ Trịnh Ngọc Đường nhấn mạnh rằng, thuốc men và một số thói quen sinh hoạt xấu không lành mạnh có thể khiến bệnh thận khó kiểm soát và khó điều trị. Nếu có yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận trong gia đình, việc sàng lọc thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm bệnh thận và điều trị hiệu quả sớm, điều này có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận trở nên trầm trọng hơn.

Ăn ít muối, tránh ăn khế và thực phẩm giàu protein khi bị bệnh thận

Về chế độ ăn lành mạnh cho người bệnh thận, bác sĩ Tưởng Hằng Bân cho biết, điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thận.

Đối với bệnh thận nhẹ, chỉ cần lưu ý một vài điểm chính, bao gồm hạn chế lượng muối nạp vào và tránh ăn trái khế, đồng thời nên tránh các thực phẩm giàu protein vì thực phẩm giàu protein có thể khiến bệnh thận dễ trở nên trầm trọng hơn.

Còn nếu như bệnh thận nghiêm trọng hơn, có thể cần áp dụng nhiều hạn chế hơn nữa trong chế độ ăn uống hoặc trong lối sống hàng ngày.

Phù nề có thể liên quan đến tim, gan và thận

Ngoài ra, nếu bị phù nề, chúng ta nên chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo sớm về thận, trong đó có dấu hiệu phù nề. Bác sĩ Trịnh Ngọc Đường nói, nhiều người không biết mình bị phù nề. Vì vậy, chúng ta nên thường xuyên quan sát bàn chân của mình, là nơi dễ thấy phù nề nhất.

Đặc điểm của chứng phù nề là da đột nhiên trở nên rất sáng, căng mịn và trông như thể da đang trong tình trạng rất tốt. Bác sĩ Trịnh Ngọc Đường cho biết thêm, nhưng phù nề có liên quan nhiều nhất đến sức khỏe của ba cơ quan là tim, gan và thận.

Kiểm soát tốt huyết áp cao, mỡ máu cao và đường huyết cao để bảo vệ thận
Bác sĩ Trịnh Ngọc Đường cho rằng, thận là cơ quan lọc máu và chất thải, nguyên nhân trực tiếp phổ biến nhất gây tổn thương cho thận là huyết áp cao và bệnh tiểu đường, do đó kiểm soát tốt “ba cao” gồm huyết áp cao, mỡ máu cao và đường huyết cao là một trong những biện pháp quan trọng nhất để kiểm soát bệnh thận mãn tính và để bảo vệ thận tốt nhất.

Ngoài ra, nếu có thể, chúng ta nên tránh sử dụng tất cả các loại thuốc giảm đau và thuốc chống viêm.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên duy trì đủ nước cho cơ thể, uống đủ nước, không thức khuya và tránh ăn đồ cay, tất cả những điều này đều có lợi cho thận.

Hãy chú ý đến dấu hiệu cảnh báo bị bệnh thận

Các bác sĩ Nội thận - Tiết niệu nhắc nhở rằng, nhiều bệnh về thận có biểu hiện ở giai đoạn đầu là huyết áp cao. Nếu người bệnh bị phù nề, nước tiểu có bọt, huyết áp cao, thiếu máu, mệt mỏi và các triệu chứng khó chịu liên quan khác, họ cần phải đi khám sức khỏe ngay để kiểm tra thêm nhằm xác định chính xác mình có mắc bệnh thận giai đoạn đầu hay không?

Chỉ thông qua việc tầm soát, kiểm tra thường xuyên và có lối sống, thói quen tốt lành mạnh, bệnh thận mới có thể được phát hiện sớm, từ đó có cơ hội điều trị sớm hiệu quả và bảo vệ được sức khỏe cho thận.

Bình luận