Các bác sĩ cho biết, nước cam là một trợ thủ đắc lực sau khi tập thể dục hay vận động ngoài trời dưới cái nắng gay gắt và đổ nhiều mồ hôi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nước cam giúp hồi phục thể lực, đặc biệt là hồi phục cơ bắp sau khi tập thể dục và làm giảm sự tích tụ axit lactic.
Nước cam đặc biệt hữu ích cho các hoạt động như chạy marathon, đi bộ đường dài trên núi hoặc đạp xe đường dài.

Nước cam ngăn ngừa chuột rút
Huỳnh Hiến Minh, vừa là thầy thuốc Đông y vừa là bác sĩ Tây y chia sẻ rằng, sau một chuyến đi bộ đường dài trong 4 hoặc 5 giờ, đôi chân trở nên “ tê cứng và đau mỏi cơ bắp”, điều này thực chất là do bong gân hoặc tích tụ axit lactic; các hoạt động ngoài trời tiêu tốn nhiều chất điện giải và đường, khi đó uống nước cam có thể giúp giảm sự tích tụ axit lactic. Một nghiên cứu ngẫu nhiên năm 2010 cho thấy, sự tích tụ axit lactic giảm 27% ở nhóm uống nước cam, so với mức giảm 17% ở nhóm đối chứng.
Bác sĩ Huỳnh Hiến Minh cho biết thêm, nước cam cũng giàu vitamin C và flavonoid, đặc biệt là hesperidin, có tác dụng chống oxy hóa và thúc đẩy chức năng nội mạc mạch máu, có thể cải thiện hiệu suất thể thao và phục hồi các tế bào bị tổn thương hoặc phục hồi thể lực sau khi tập luyện với cường độ lớn.
Đồng thời, nước cam có thể bổ sung ion kali, giảm nguy cơ chuột rút cơ và cải thiện tình trạng hạ đường huyết.
Cam rất giàu chất dinh dưỡng
Theo bác sĩ Huỳnh Hiến Minh chia sẻ, cam rất giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích sức khỏe. Cam có vị ngọt, giàu chất xơ, nhiều loại vitamin, axit hữu cơ và nhiều loại khoáng chất như phốt pho, kali, canxi, magie và sắt…
Cam có thể giúp cân bằng các ion natri trong cơ thể và ổn định huyết áp. Nó cũng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và hỗ trợ tiêu hóa. Nó có tác dụng làm giảm nhờn, nuôi dưỡng da và chống oxy hóa.
Cam có thể ăn trực tiếp bằng cách cắt thành từng miếng, hoặc ép lấy nước để uống, rất bổ dưỡng và tiện lợi.
Theo bác sĩ Huỳnh Hiến Minh, cứ 100 gram chứa 41,2 mg vitamin C, gấp 16 lần táo Fuji và gấp 4 lần cherry (hay còn gọi là trái anh đào); hàm lượng canxi là 28 mg, gấp 7 lần so với táo Fuji và gấp 2 lần so với cherry.
Nhìn chung, một trái cam nặng khoảng 150 gram có thể cung cấp cho chúng ta 16% nhu cầu chất xơ hàng ngày và 62% lượng vitamin C cần thiết, điều này khiến cam trở thành một trong những trái cây rất hữu ích để chúng ta bổ sung dinh dưỡng hàng ngày.
Nước cam vẫn có một số “nhược điểm”
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Hiến Minh nhắc nhở rằng mặc dù nước cam có nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng nó vẫn có một số “nhược điểm” chúng ta cần lưu ý. Trước hết, nước cam chứa nhiều calo và đường, trong khi đó thiếu chất xơ, điểm này có thể dẫn đến chúng ta tăng cân.
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, nếu uống nước cam quá nhiều có thể làm chúng ta tăng cân hoặc mất kiểm soát cân nặng. Vì vậy, có uống nước cam thì cần kết hợp với việc tập thể dục đầy đủ.
Thứ hai, hàm lượng natri trong nước cam không đủ để bù đắp sự mất cân bằng điện giải do đổ mồ hôi quá nhiều sau khi tập thể dục hoặc vận động nhiều ở ngoài trời. Do đó, nên kết hợp ăn cam hay uống nước cam với một số thức ăn mặn để cân bằng lượng natri trong máu.
Cuối cùng, bác sĩ Hoàng Hiến Minh nhấn mạnh rằng, ăn cam dễ gây ra đàm (hay còn gọi là đờm) nên những người có đàm nên ăn cam hay uống nước cam ít lại, trong khi đó vỏ cam chứa chất histamine có tác dụng làm dịu cơn ho và giảm đàm hiệu quả.