Chờ...

Thay đổi vị giác và khứu giác có bị tiểu đường không?

VOH - Thay đổi vị giác có thể là do thiếu chất dinh dưỡng!

Bác sĩ cho biết, nếu vị giác thay đổi đột ngột thì có thể có điều gì đó bất ổn xảy ra ở môi trường bên trong cơ thể, nguyên nhân phổ biến là liên quan đến các nguyên tố vi lượng.

khong-nem-ra-duoc-vi-man-chua-nhu-vi-ngot
Một nửa số người có bất thường về vị giác và khứu giác có liên quan đến thiếu nguyên tố vi lượng - Ảnh: TVBS

Nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường

Trần Vinh Kiên, một bác sĩ ngoại khoa có nhiều năm kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, có một phụ nữ đến gặp bác sĩ muốn điều trị bệnh tiểu đường. Người phụ nữ này nhìn còn trẻ trung độ tuổi khoảng 30 và có thân hình cân đối bình thường. Bác sĩ Trần Vinh Kiên hỏi cô tại sao lại nghĩ mình mắc bệnh tiểu đường?

Cô trả lời cho biết, khi đi ăn cùng với người thân hay bạn bè, các món ăn mà người khác cho là mặn thì cô ăn cảm thấy không có vị mặn. Hoặc mọi người ai ăn cũng cảm thấy món đó có vị chua thì cô cảm thấy nó có vị ngọt ngọt. Đôi khi cô ấy thậm chí không thể ngửi thấy hương vị của các món ăn hoặc đột nhiên trở nên rất nhạy cảm với mùi vị.

Nói tóm lại, vị giá và khứu giác của người phụ nữ này có vấn đề bất thường. Cô nghe nói tình trạng này có liên quan đến bệnh tiểu đường. Trùng hợp thêm gia đình của cô ấy cũng có tiền sử bệnh tiểu đường, nên người phụ nữ này quyết định đến gặp bác sĩ muốn khám xem mình có mắc bệnh tiểu đường hay không?
Một nửa số người có vị giác bất thường có liên quan đến tình trạng thiếu kẽm

Sau khi khám tổng quát, bác sĩ Trần Vinh Kiên chuẩn đoán cô không mắc bệnh tiểu đường, các xét nghiệm liên quan khác không phát hiện vấn đề gì nên đề nghị cô làm thêm xét nghiệm định lượng nguyên tố vi lượng.

Bác sĩ Trần Vinh Kiên cho biết, bởi có một nghiên cứu lớn ở Mỹ cho thấy 50% số người có vị giác bất thường có liên quan đến tình trạng thiếu kẽm, nên bác sĩ quyết định cho cô làm thêm xét nghiệm trên.

Người phụ nữ đồng ý làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm người ta phát hiện ra rằng, lượng kẽm của cô chỉ bằng 1/3 mức bình thường.

Sau khi được bác sĩ Trần Vinh Kiên chuẩn đoán và kê toa bổ sung kẽm, vị giác và khứu giác của người phụ nữ đã trở lại bình thường. Cô cũng cho biết, trước đây tóc cô rụng nhiều không rõ nguyên nhân nhưng hiện tại tình trạng rụng tóc của cô đã được cải thiện rõ rệt.

Kẽm duy trì tế bào bình thường và chức năng miễn dịch

Ngô Hân Linh, một chuyên gia dinh dưỡng cũng người Đài Loan từng nói rằng, kẽm là chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong cơ thể. Kẽm cần thiết cho nhiều quá trình trong cơ thể bao gồm tham gia vào quá trình tổng hợp axit nucleic và protein của con người, duy trì sự phân chia và phát triển tế bào bình thường, tham gia tổng hợp hormone, là thành phần không thể thiếu để sản xuất insulin, duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch con người và là một thành phần quan trọng của tinh trùng và prostaglandin.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, đàn ông trưởng thành nên tiêu thụ 15 mg kẽm mỗi ngày và phụ nữ nên tiêu thụ 12 mg mỗi ngày.

Các triệu chứng thiếu kẽm là gì?

Bác sĩ Trần Vinh Kiên cho biết, thiếu kẽm có thể gây ra chậm phát triển, móng tay bị đốm trắng, giảm vị giác hoặc khứu giác, ngứa da, tóc khô và dễ gãy, kiểm soát lượng đường trong máu kém…

Vì cơ thể không sản xuất kẽm một cách tự nhiên mà phải bổ sung qua thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung. Trong số các loại thực phẩm tự nhiên, nguồn kẽm động vật có nhiều ở trứng, hàu, thịt…; còn nguồn kẽm thực vật thì tìm thấy trong đậu nành, hạt bí ngô, hạt óc chó… Kẽm sinh học có sinh khả dụng của nguồn kẽm động vật cao hơn nguồn kẽm thực vật.  

Bác sĩ Trần Vinh Kiên giải thích, sinh khả dụng được định nghĩa là mức độ và tốc độ mà một hợp chất được hệ thống sinh học hấp thụ hoặc trở nên sẵn sàng cho hoạt động sinh học. Các loại vitamin và khoáng chất khác nhau có tỷ lệ hấp thụ khác nhau, cho dù chúng ở dạng viên, chất lỏng, bột hay thực phẩm.

Vì vậy, nếu là người không ăn chay, mọi người nên cố gắng bổ sung nguồn kẽm từ động vật sẽ tốt hơn.