Bác sĩ cho biết, nhiều người thường lo ngại về “tổn thương gan” khi sử dụng statin để kiểm soát cholesterol cao.
Tuy nhiên, một nghiên cứu nặng ký được công bố trên Tạp chí Y khoa “JAMA Internal Medicine” đã đưa ra câu trả lời phủ nhận sự lo ngại của nhiều người: sử dụng statin lâu dài thực sự giúp giảm nguy cơ ung thư gan và làm suy giảm chức năng gan ở bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính.

Statin có thể là người bảo vệ gan
Trương Gia Minh, bác sĩ tư vấn di truyền ung thư giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi hơn 16.000 bệnh nhân trên 40 tuổi mắc bệnh gan mãn tính trong 10 năm cho thấy, trong số những người sử dụng statin lâu dài, tỷ lệ mắc ung thư gan trong 10 năm giảm từ 8,0% xuống 3,8% và tỷ lệ suy giảm chức năng gan cũng giảm từ 19,5% xuống 10,6%. Không những vậy, quá trình xơ hóa gan (chỉ số FIB-4) cũng trở nên ổn định hơn, thậm chí được cải thiện rất nhiều.
Bác sĩ Trương Gia Minh cho biết, những con số này có ý nghĩa lâm sàng rất lớn và có nghĩa là thói quen ngừng thuốc ngay khi men gan tăng trước đây có thể cần phải được xem xét lại.
Trên thực tế, “sự biến động” trong chức năng gan có thể không nhất thiết đồng nghĩa với việc “gan tổn hại” và “tác dụng phụ” của thuốc thực sự có thể có tác dụng bảo vệ lâu dài.
Đừng để con số chỉ số gan trở thành con số lo sợ
Bác sĩ Trương Gia Minh nói rằng, chúng ta đã quen với việc coi men gan là chỉ số đánh giá sức khỏe của gan, nhưng ở đây cần hiểu sâu hơn rằng những chỉ số này phản ánh “trạng thái phản ứng” của tế bào gan hơn là “mức độ tổn hại”.
Khi tế bào gan bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài, các enzyme nội bào sẽ được giải phóng khiến ALT hoặc AST tăng cao. Tuy nhiên, phản ứng giải phóng này đôi khi chỉ là “sự thích ứng sinh lý nhất thời” chứ không phải là tín hiệu của bệnh gan mạn tính đang trầm trọng hơn.
Bác sĩ Trương Gia Minh nhấn mạnh rằng, điều chúng ta nên hỏi không phải là “chỉ số gan có tăng không?”, mà là nên hỏi “sự gia tăng chỉ số này sẽ dẫn đến hậu quả gì?” và về lâu dài, sử dụng loại thuốc này (statin) sẽ giúp ích hay làm tổn thương gan?
Nghiên cứu của Tạp chí Y khoa “JAMA Internal Medicine” này chỉ ra rõ ràng: tác dụng lâu dài của statin đối với gan là bảo vệ chứ không phải tiêu diệt nó.
Đừng ngại uống thuốc nếu cholesterol cao
Bác sĩ Trương Gia Minh khuyến cáo rằng, nếu chúng ta có tiền sử bệnh gan mãn tính, gan nhiễm mỡ, viêm gan B hoặc C và lipid máu cao, thì loại statin mà chúng ta cho rằng sẽ “gây tổn hại cho gan” thực sự có thể là bức tường lửa bảo vệ của gan.
Nhiều người bị cholesterol cao nhưng e ngại uống thuốc vì lo sợ “làm tổn thương gan”.
Tuy nhiên, cholesterol quá cao, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL-C) rất có hại cho sức khỏe tim mạch. Nếu để lâu không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ…Do đó, chúng ta đừng ngại uống thuốc statin nếu cholesterol cao.