Tiêu điểm: Nhân Humanity

Net Zero và cuộc đua của các doanh nghiệp Việt Nam

VOH - Doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… phải tham gia cuộc chơi mới về quy chế carbon nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường.
Net Zero và cuộc đua của các doanh nghiệp Việt Nam 1
Ảnh minh họa: internet

Hội nghị  lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra cuối năm 2021 đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu bao gồm đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C. Kịch bản năm 2070, hạn chế sự nóng lên toàn cầu 2 độ C.

Hiện nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa ra cam kết hoặc hướng đến Net Zero theo mốc thời gian như Việt Nam. Một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Nhật Bản chậm nhất năm 2050; Trung Quốc trước năm 2060.

Net Zero và cam kết quốc tế

Sự nóng lên toàn cầu là tỷ lệ thuận với lượng khí nhà kính tích lũy qua từng năm, có nghĩa là hành tinh sẽ tiếp tục nóng lên nếu lượng khí thải toàn cầu vẫn lớn hơn 0.

Net Zero đề cập đến trạng thái không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Net Zero là lượng khí nhà kính được phát thải ra môi trường không lớn hơn lượng khí nhà kính được loại bỏ ra khỏi khí quyển.

Tính đến nay trên thế giới có khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050. Một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070...

Châu Âu là một trong những khu vực đẩy mạnh cuộc đua Net Zero bằng việc thực hiện kế hoạch công nghiệp xanh. Châu lục này sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng với Mỹ trở thành trung tâm sản xuất xe điện và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Châu Âu sẽ tăng cường cấp phép cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vực công nghệ như lưu trữ carbon, sản xuất Hydrogen xanh,…

EU sẽ tăng cường các khoản trợ cấp trong việc phát triển công nghệ khử carbon. Các quỹ hiện tại của EU cho lĩnh vực này hiện có khoảng 250 tỷ euro.

 Anh đang đề ra kế hoạch cấm bán xe chạy bằng năng lượng hoá thạch trước năm 2030, tăng gấp 4 lần công suất điện gió ngoài khơi, tăng 30.000 ha diện tích cây xanh mỗi năm cho tới 2025.

Mỹ đang đẩy mạnh việc phát triển xe điện và năng lượng sạch bằng cách giảm thuế. Xe điện sản xuất ở Bắc Mỹ và đạt yêu đầu nội địa hóa pin được nhận khoản ưu đãi thuế 7.500 USD.

Nhiều hãng ô tô lớn tuyên bố lộ trình dừng hẳn việc sản xuất xe xăng như Mercedes-Benz, Volvo, Hyundai, Ford…Mốc thời gian các hãng xe lựa chọn là từ 2025 - 2030.

Một số liệu khác từ Viện Năng lượng dự đoán Việt Nam cần đầu tư 532 tỷ USD vào nguồn phát điện và hệ thống truyền tải trong giai đoạn 2021-2045.

Mục tiêu giảm khí phát thải nhà kính

Thứ nhất, giảm lượng khí phát thải vào bầu khí quyền trong quá trình sản xuất điện, giao thông, nông nghiệp…Con người có thể chuyển từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo; từ bỏ xe chạy xăng, dầu để chuyển sang xe điện hoặc hydrogen.

Những hoạt động sản xuất, kinh tế không thể giảm khí thải nhà kính xuống 0, phải bù lại bằng các biện pháp thu giữ khí carbon như trồng cây, áp dụng công nghệ.

Công nghệ này dùng máy móc để loại bỏ carbon khỏi không khí, sau đó làm rắn khí thải này và chôn nó dưới lòng đất.

Nếu như việc thực hiện cả hai cách trên vẫn chưa đưa lượng khí thải về mức "Net Zero", một phương án khác cho doanh nghiệp đó chính là mua tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng CO2 nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn CO2  hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

Doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho phần khí phát thải trong quá trình sản xuất. Với những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc hấp thụ khí thải, thậm chí là vượt so với lượng khí nhà kính mà họ thải ra thì họ có thể bán tín chỉ carbon.

Doanh nghiệp “thông hành” bằng tín chỉ carbon

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Doanh thu từ mua bán tín chỉ carbon là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Từ nay đến năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mua bán tín chỉ giảm phát thải (tín chỉ carbon) trên thị trường là phương pháp tiên tiến mà ngày càng nhiều quốc gia triển khai. Hoạt động mua bán được thực hiện trên thị trường carbon, nơi các bên tham gia mua, bán có thể là các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế.

Sẽ có nhiều loại tín chỉ khác nhau, và giá tín chỉ cao hay thấp phụ thuộc vào từng lĩnh vực (nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, xử lý chất thải,..), vào độ uy tín của đơn vị phát hành tín chỉ cũng như thời điểm mua, bán trên thị trường carbon.

Các doanh nghiệp tăng tốc trong cuộc đua Net Zero

Net Zero và cuộc đua của các doanh nghiệp Việt Nam 2

Net Zero đang trở thành xu hướng, cuộc chơi mới mà doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc. Vì Việt Nam là nước xuất khẩu lớn sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật... Các quốc gia này đều đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm phát thải. Theo quy chế carbon xuyên biên giới, tính đến tháng 10/2023, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu bị đánh thuế carbon.

Ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: “Nếu không phát triển bền vững thì Việt Nam sẽ chịu những tổn thất rất xấu đến người dân và doanh nghiệp. NetZero là bài toán phức tạp giữa việc nâng cao tốc độ phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt với quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam”.

Sắt thép, ximăng, phân bón, nhôm, điện và hydro là những sản phẩm sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất khẩu sang EU. Càng chậm chân trong triển khai Net Zero, doanh nghiệp Việt càng mất đi lợi thế trong xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp, cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; và hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất chính là ba bước quan trọng để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero.

Vì vậy ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng việc trồng cây, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp khí nhà kính, giảm phát thải ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn được nhận định là nền tảng tạo ra “chìa  khóa vàng” giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, để phát triển bền vững.

Net Zero là cuộc đua mà mọi quốc gia đều muốn về đích sớm. Trong cuộc đua này, quốc gia nào ứng phó nhanh, huy động được nhiều nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước sẽ có lợi thế.

Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách để triển khai cam kết Net Zero vào năm 2050. Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Ban hành chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, cập nhật NDC 2022, trong đó có tính đến cam kết Net Zero của Việt Nam,…và nhiều văn bản liên quan khác.
Bình luận