Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhịp đập ESG, tín chỉ Carbon để hướng tới Netzero

VOH - ESG, hydrogen xanh và tín chỉ carbon là mục tiêu tất yếu mà doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và xa hơn là phát thải về 0 vào 2050.
Nhịp đập ESG, tín chỉ Carbon để hướng tới Netzero 1
Ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam - Asia

Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên trầm trọng, với tác nhân chủ yếu là do con người phát thải quá mức khí nhà kính. Thị trường cacbon là một trong những phương pháp định giá cacbon, được kỳ vọng là công cụ hiệu quả giúp giảm phát thải, ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.

Cùng chung mục tiêu đó, ESG với 3 trụ cột về môi trường, xã hội và quản trị là công cụ đánh giá doanh nghiệp, đồng thời thể hiện ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với môi trường và cộng đồng. Việt Nam đang chuẩn bị vận hành thị trường cacbon trong nước, đồng thời thúc đẩy thực hành ESG ở các doanh nghiệp. Do đó, việc tham gia thị trường cacbon sẽ giúp doanh nghiệp đóng góp vào quá trình thực hành ESG và phát triển bền vững thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này Phóng viên Anh Thư của VOH đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam - Asia về ESG, thị trường cacbon và phân tích sự tác động của thị trường cacbon đến việc thực hành ESG của doanh nghiệp và tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực hydrogen xanh và năng lượng hydrogen bền vững, cùng những ưu việt của tín chỉ carbon trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, góp sức xây dựng một tương lai bền vững theo xu hướng Net Zero.

*VOH: Thưa ông, Việt Nam có tiềm năng lớn thế nào trong việc phát triển hydrogen xanh và năng lượng hydrogen bền vững?

Ông Hồ Quang Minh: Hydrogen được quốc tế xác định là nhiên liệu sạch trong nhiều cuộc đàm phán về khí hậu. Do đó, nhu cầu hydrogen xanh dự kiến sẽ tăng cao trong tương lai.

Hydrogen cũng là biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC). Đặc biệt, đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên hợp tác với các đối tác G7 trong khuôn khổ chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển năng lượng hydrogen bền vững. Tiềm năng đó đến từ đường bờ biển dài hơn 3 ngàn km, với nhiều "nắng, gió, nước biển". Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh. Việc sử dụng điện mặt trời và gió để tạo ra điện, sau đó sử dụng điện này để tách nước thành hydro và oxi là một phương pháp tiềm năng để sản xuất hydrogen xanh. Đây là cơ hội lớn mà không phải nhiều quốc gia trên thế giới có điều kiện tận dụng.

Việt Nam có một nền kinh tế đang phát triển và nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng. Sử dụng hydrogen xanh có thể giúp giảm lượng khí thải carbon và đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Năng lượng hydrogen cũng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như vận tải, công nghiệp và sản xuất, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư.

Chính phủ đã công bố các chính sách và quy định nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sử dụng hydrogen. Việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển các dự án về hydrogen xanh và năng lượng hydrogen giúp thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các công ty trong và ngoài nước.

Việt Nam đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ hydrogen. Các viện nghiên cứu và trường đại học đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về hydrogen xanh và các ứng dụng của nó. Việc phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hydrogen.

Sản xuất hydrogen xanh còn có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon, có thể kiếm về hàng tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu mua bán tín chỉ carbon đang ngày càng tăng cao trên toàn cầu.

Việt Nam đầu tư phát triển hydrogen là bước tiến đúng đắn, giúp Việt Nam chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp xanh, bỏ qua giai đoạn công nghiệp nặng gây nhiều hệ lụy tới môi trường.

Tuy nhiên Việt Nam cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư, nguồn nhân lực và công nghệ. Đây là cơ sở để giảm giá thành sản xuất hydrogen, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, thu hút nguồn lực tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Để tạo khung chính sách cho hydrogen, vừa qua, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Mục tiêu của Chiến lược là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu, giúp đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp cho mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 cũng như mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, đảm bảo cho chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững. Xây dựng được thị trường hydrogen trong nước đủ mạnh là bước đi tiên quyết, sau đó mới có thể tính đến hoạt động xuất khẩu.

Hydrogen được xem là yếu tố cấp thiết cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, đến năm 2050, hệ sinh thái hydro sạch có thể đóng góp 40 – 50 tỷ USD vào GDP hàng năm và tạo ra 40 – 50 nghìn việc làm cho nền kinh tế.

*VOH: Tín chỉ carbon có điểm ưu việt gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thưa ông?

Ông Hồ Quang Minh: Hiện nay, nhu cầu giảm phát thải carbon đang tăng cao. Một số quốc gia sử dụng tín chỉ carbon làm thước đo để đánh thuế carbon. Các doanh nghiệp cũng muốn mua tín chỉ carbon để thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải, bền vững hóa chuỗi cung ứng.

Nhu cầu tạo ra thị trường, và tín chỉ carbon là một tài sản có giá, giống như cổ phiếu, có thể sử dụng để đầu tư.

Tín chỉ carbon có nhiều điểm ưu việt như giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác vào môi trường. Điều này giúp giảm tác động của hoạt động con người đến biến đổi khí hậu.

Tín chỉ carbon tạo ra một giá trị kinh tế cho khí thải carbon bằng cách áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.

Việc giao dịch tín chỉ carbon sẽ tạo ra một cơ hội thúc đẩy sự phát triển và triển khai công nghệ xanh. Các công ty và tổ chức có thể sử dụng tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhằm giảm khí thải.

Tín chỉ carbon cho phép tạo ra một thị trường đối tác về khí hậu, nơi các đơn vị có thể mua và bán tín chỉ carbon. Việc tạo ra một thị trường có giá trị kinh tế cho khí thải carbon khuyến khích sự tham gia của nhiều bên liên quan và tạo ra một cơ chế kinh tế động để giảm thiểu khí thải.

Tín chỉ carbon cũng sẽ đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng một nền kinh tế bền vững. Bằng cách giảm khí phát thải và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tín chỉ carbon hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế xám sang nền kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Chính vì vậy, công cụ tín chỉ carbon có ý nghĩa rất lớn, là động lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án thu hồi phát thải, bảo vệ môi trường.

*VOH: Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt là trong bối cảnh ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng trong đánh giá và đầu tư vào doanh nghiệp?

Ông Hồ Quang Minh: Doanh nghiệp cần trang bị thêm kiến thức của thế giới, đồng thời tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến ESG, bao gồm quy định về báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, chuẩn mực đạo đức kinh doanh và quyền lợi của người lao động.

Doanh nghiệp phải xem tiêu chuẩn ESG là ưu tiên hàng đầu:  Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý ESG và đánh giá tác động môi trường và ESG một cách minh bạch, đáng tin cậy. Tuân thủ quy định về ESG, xây dựng chiến lược ESG, đầu tư vào giải pháp tái tạo và xanh hơn, tăng cường quản trị rủi ro ESG, xây dựng quan hệ tốt với cổ đông và nhà đầu tư, tham gia vào hệ thống chứng nhận ESG và theo dõi xu hướng và chính sách mới nhất. Bằng cách chú trọng vào các yếu tố này, doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một cách hiệu quả và bền vững trong bối cảnh ESG ngày càng quan trọng.

Doanh nghiệp không nên lạm dụng việc mua tín chỉ  để tuyên bố trung hoà carbon. Vì như vậy sẽ không đúng với bản chất phát triển bền vững, mà theo đó Nhóm nghị sĩ  của Nghị viên Châu Âu vào 15/3 tới sẽ bỏ phiếu chống “tẩy xanh” cho động thái lạm dụng này. Thay vào đó, doanh nghiệp nên tăng cường quản trị việc sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải, sử dụng tuần hoàn các nguồn tài nguyên đầu vào. Đây cũng chính là sứ mệnh của nền kinh tế tăng trưởng xanh, đóng góp vào mục tiêu Net Zero 2050.

*VOH: Thưa ông, sắp tới, những sản phẩm xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU như dệt may, thủy sản, nông sản, hàng điện tử… đều có nguy cơ bị đánh thuế carbon chênh lệch. Không chỉ có EU mà ngày càng nhiều quốc gia đánh thuế carbon, nếu chậm chân các sản phẩm của Việt Nam sẽ vấp phải các rào cản tại những thị trường xuất khẩu. Vậy theo ông doanh nghiệp xuất khẩu phải nhanh chóng chủ động ứng phó thuế carbon như thế nào?

Ông Hồ Quang Minh: Cho đến nay, các quy định chi tiết của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vẫn chưa được công bố nhưng chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chi thêm tiền đóng thuế carbon, bởi Việt Nam hầu như chưa có loại thuế nào tương tự để “bù trừ”.

Đây cũng là rủi ro rất lớn, bắt buộc doanh nghiệp và Nhà nước phải chuẩn bị thật kỹ các phương án kiểm kê và giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính.

CBAM tác động trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải chủ động kiểm kê và cắt giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, quá trình này rất cần có sự hỗ trợ và đồng hành chặt chẽ từ phía Nhà nước để đạt được hiệu quả cao.

Doanh nghiệp cần lên kế hoạch ứng phó sớm, rà soát chuỗi cung ứng sản phẩm chuyển đổi sản xuất xanh, như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…, kiểm soát chặt chẽ và xây dựng báo cáo phát thải, sẵn sàng cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất sạch hơn giúp giảm lượng khí thải carbon, áp dụng công nghệ xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế và tái sử dụng, và tối ưu hóa quy trình sản xuất, tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch thay thế để giảm lượng khí thải carbon.

Doanh nghiệp cần hợp tác với nhà nhập khẩu, các nhà cung ứng và chính phủ. Việc chuyển đổi sản xuất không phải là câu chuyện của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà cần gắn kết với nhau để có thêm lợi thế cạnh tranh và cơ hội mới.

Doanh nghiệp cần theo dõi và báo cáo khí thải carbon của mình theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đo lường và quản lý tác động của thuế carbon, mà còn góp phần tăng cường lòng tin của khách hàng và các thị trường xuất khẩu.

*VOH: Thưa ông, Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam - Asia vừa thành lập, mục tiêu của Vanza trong thời gian tới là gì để góp sức cùng với Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng xây dựng một tương lai bền vững theo xu hướng Net Zero?

Ông Hồ Quang Minh: Vanza sẽ tăng cường nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về lợi ích của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đối với môi trường, xã hội và kinh tế.

Giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức được tiềm năng kinh tế và cơ hội kinh doanh trong việc thực hiện các biện pháp bền vững.

Tổ chức các khóa đào tạo và chương trình giáo dục về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, và quản lý môi trường, nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức thực hiện các biện pháp bền vững.

Thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra một môi trường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các diễn đàn, hội thảo và sự kiện nối kết các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải.

Cung cấp tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để giúp doanh nghiệp tìm hiểu và áp dụng các giải pháp xanh, công nghệ và quy trình quản lý tài nguyên hiệu quả.

Tạo ra cơ hội hợp tác và kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thông qua các mạng lưới và nền tảng trực tuyến.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển và triển khai các dự án và sản phẩm xanh, bằng cách cung cấp thông tin về nguồn lực, tài chính và quy trình hỗ trợ./.

*VOH: Xin cảm ơn ông!

Bình luận