Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát triển bền vững ngày 10/6: Khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế

VOH - Câu chuyện kinh tế tuần hoàn nhìn từ quy định chất thải rắn sinh hoạt; Câu chuyện kinh tế tuần hoàn nhìn từ quy định chất thải rắn sinh hoạt.

Khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế

Sáng 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng, nghe báo cáo, cho ý kiến về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tiêu chí xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư. Một số vấn đề cần làm rõ khi xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.

Báo cáo Phó Thủ tướng tại buổi làm việc, Thứ tưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia là khung cơ bản, cơ sở để xây dựng các tiêu chí kỹ thuật dưới hình thức các danh mục bổ trợ, chi tiết đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Tại cuộc họp, đại diện, lãnh đạo: Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nhận thức chính trị, lý luận về kinh tế xanh, các tiêu chí về kinh tế xanh; các kinh nghiệm quốc tế về kinh tế xanh; phân loại kinh tế xanh; sự phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương trong thực hiện phân loại, triển khai các nội dung về kinh tế xanh; thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế xanh.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ KH&ĐT đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cam kết trong thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Tạo tín chỉ carbon trên lúa, nông dân Nghệ An có thêm 1,6 triệu USD thu nhập

Đầu vụ Xuân 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cùng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Công ty Green Carbon và đại diện tổ chức JICA đã thực hiện chương trình “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chương trình thực hiện trên diện tích gần 5.339,5 ha thuộc 5 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương với khoảng 24.000 hộ gia đình tham gia.

Bên cạnh đó, Công ty Green Carbon INC – đơn vị chính trong chương trình “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” cũng đã tổ chức các hoạt động để xây dựng hồ sơ pháp lý cho việc tạo tín chỉ carbon, tổ chức ký thỏa thuận thực hiện dự án tới tận người dân với 5 huyện triển khai. Nguồn vốn thực hiện dự án thí điểm được JICA hỗ trợ và công ty Green Carbon INC bố trí.

Kết quả thí điểm tạo tín chỉ carbon trên 5.339,5 ha lúa tại 5 huyện ở Nghệ An cho thấy, với giá 1 tín chỉ khoảng 15 USD, thì với diện tích thí điểm, chương trình đem lại nguồn thu khoảng 1,6 triệu USD.

5

Câu chuyện kinh tế tuần hoàn nhìn từ quy định chất thải rắn sinh hoạt

Chỉ còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại 2 dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp.

Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng trong việc giải quyết vấn đề chất thải rắn sinh hoạt và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực này tại Việt Nam

Ông Nguyễn Thành Lam - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước vào khoảng trên 67 nghìn tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng trên 38 nghìn tấn/ngày.

Đặc biệt, tại khu vực miền núi thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu đã gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc.

Là một trong những đô thị lớn của cả nước, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng, bà Đào Thu Huyền – Phó phòng Quản lý chất thải rắn chia sẻ: Hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1860 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị khoảng 1000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 860 tấn/ngày (số liệu thống kê năm 2023).

Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch cho hay: Hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Lân- Công ty Cổ phần Nước- Môi trường Bình Dương cho biết: Hiện chi phí thu gom, xử lý còn tương đối cao. Phí sử dụng lao động và phí vệ sinh thu được không đáp ứng được yêu cầu chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác, trong khi đó 100% chi phí xử lý là do nhà nước chi trả.

Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ông Đỗ Duy Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Giao thông, môi trường và Đô thị Chí Linh (Hải Dương) cho biết: Hàng ngày công nhân của chúng tôi vẫn phải quét và thu gom rác ở khu vực công cộng như đường phố, vườn hoa, công viên (theo Quyết định 592/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/5/2014) tuy nhiên hạng mục này không có trong dự thảo thông tư.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn cùng với chính sách về định mức kinh tế trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Thép xanh VAS đạt chứng nhận phát triển bền vững – EPD

Kiên định với chiến lược "Xanh, Sạch", Tập Đoàn VAS ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển thép Xanh bền vững hơn 25 năm nhờ công nghệ tiên tiến và tôn chỉ “Vững vàng Tâm thép”.

Tập Đoàn VAS “tái sinh” sắt, thép phế liệu thành những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

25 năm kiên định trên hành trình “Tái sinh để kiến tạo”, mô hình kinh tế tuần hoàn mà Tập Đoàn vận dụng đã tái sinh sắt thép bỏ đi thành những sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định và thân thiện với môi trường.

Chứng nhận này yêu cầu doanh nghiệp vượt qua nhiều kiểm định nghiêm ngặt, minh bạch hóa thông tin về tác động của sản xuất tới môi trường trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Với thành tích ấn tượng lượng khí CO2 phát thải trong sản xuất về mức dưới 750 kg, Tập Đoàn VAS trở thành một trong hai nhà máy thép tại Việt Nam đạt được chứng nhận này.

Nhằm tăng cam kết “Xanh” hướng đến ngành công nghiệp thép bền vững, Tập Đoàn VAS chủ động công bố các dữ liệu về nguyên liệu, tiêu thụ tài nguyên và chất thải đáp ứng các tiêu chí của EPD (Environmental Product Declaration – Tuyên bố sản phẩm môi trường).

Hơn hai thập kỷ kiên định với chiến lược phát triển bền vững, 5.000 nhân sự VAS luôn bản lĩnh, linh hoạt thực thi sản xuất Thép xanh VAS theo mô hình kinh tế tuần hoàn – nền tảng để Tập Đoàn thêm vững bước trên hành trình “Tái sinh để kiến tạo”, không ngừng khẳng định chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm Việt, thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thép thế giới.

Dấu ấn chuyển đổi của quốc gia dầu lửa

Azerbaijan đã khởi động dự án đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất cho đến nay với việc xây dựng hai nhà máy năng lượng mặt trời và một nhà máy điện gió.

Điều này đánh dấu một bước quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng của Baku nhằm tạo ra 30% nhu cầu năng lượng thông qua các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Phát biểu tại lễ khởi công ba nhà máy, Bộ trưởng năng lượng của Azerbaijan, Parviz Shahbazov, cho biết các dự án này là tín hiệu về "sự đoàn kết và cam kết chuyển đổi năng lượng" của đất nước trước khi đăng cai tổ chức Hội nghị COP 29 của Liên Hợp Quốc.

Lễ động thổ diễn ra sau lễ ký kết ba thỏa thuận giữa Chính phủ Azerbaijan và công ty Masdar, bao gồm việc cho thuê đất để xây dựng ba nhà máy, cho phép truyền tải điện năng mà họ sẽ sản xuất qua lưới điện của Azerbaijan và mua điện.

Đại diện Masdar cho biết thêm, cơ sở năng lượng mặt trời Bilasuvar dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2026. Hai cơ sở còn lại sẽ phát điện vào cuối năm kế tiếp.

Azerbaijan đang theo đuổi chiến lược thay thế tích cực để sản xuất điện, cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy chạy bằng khí đốt tự nhiên bằng cách tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời.

Dầu khí, vốn là tài sản thiên nhiên của người dân Azerbaijan trong nhiều thế kỷ, ngày nay là phương tiện quan trọng để có được năng lượng "xanh" thay thế, góp phần hình thành chính sách năng lượng của Chính phủ Azerbaijan, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mọi dân tộc.

4

Bình luận