Tiêu điểm: Nhân Humanity

6 tháng đầu năm, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng 10,2%

VOH - Khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình xuất khẩu gạo diễn ra vào sáng 6/7, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường dự báo, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino.

Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế. 

xuất khẩu gạo
Gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cả về sản lượng và giá trị - Ảnh: Chính phủ

Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Trung Quốc có sự tăng trưởng tốt từ khi mở cửa thị trường sau dịch Covid-19. Indonesia bắt đầu nhập khẩu gạo trở lại nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này có mức tăng trưởng mạnh trên 1.498%.

Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu.

Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước sẽ tăng, ít nhất là không giảm, bà Tâm dự đoán.

Bà Tâm chia sẻ, giá lúa hiện nay ở mức cao. Giá lúa vụ Hè Thu còn cao hơn vụ Đông Xuân và đây là điều lạ. Trong khi đó, đầu vào cho sản xuất giảm hơn so với năm 2022 nên nông dân có lợi nhuận tốt hơn.

Về tình hình thế giới, thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022.

Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Dự báo, nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Bình luận