Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố chủ động thực hiện mục tiêu kép

(VOH) - Các cơ quan chức năng thẩm tra kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại 32 doanh nghiệp, xét nghiệm lấy 18.600 mẫu tầm soát diện rộng công nhân tại các KCX-KCN.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 Khu chế xuất - Khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 280.000 lao động trong đó có khoảng 2.600 lao động nước ngoài.

Các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố chủ động thực hiện mục tiêu kép 1
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên cả nước, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND thành phố về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm tra kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại 32 doanh nghiệp trong các khu, xét nghiệm lấy 18.600 mẫu tầm soát diện rộng công nhân bên trong nhà xưởng, kể cả nơi lưu trú của công nhân; giám sát hướng dẫn các doanh nghiệp cam kết cải thiện các điều kiện làm việc, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và xây dựng các kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra…

Các khu công nghiệp là nơi tập trung nhiều lao động, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM đã chủ động nhiều giải pháp để vừa đảm bảo sản xuất vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

VOH phỏng vấn với ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa ông, từ đầu năm đến nay, trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM như thế nào?

Ông Hứa Quốc Hưng: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan ngày càng nhiều thì thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch. Nhưng bằng nhiều quyết sách quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo, thành phố đã thực hiện khá tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Riêng trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố, 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều cố gắng vượt qua những khó khăn chung và đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, thu hút đầu tư được 236 triệu đô la Mỹ, tăng 22,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài thu hút được 125 triệu đô la Mỹ, gấp 2 lần so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt được gần 1,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình lao động cũng tương đối ổn định với tổng số lao động gần 280.000 lao động.

Các doanh nghiệp hiện thực hiện rất tốt các chỉ đạo phòng chống dịch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, của thành phố và các hướng dẫn của Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố. Các doanh nghiệp cũng rất chủ động ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong điều kiện tình hình mới như vậy.

*VOH: Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quán triệt các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch COVID-19, các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố đã có sự chủ động như thế nào trong vấn đề này?

Ông Hứa Quốc Hưng: Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và đặc biệt là trong thời gian gần đây một số tỉnh thành có khu công nghiệp có công nhân bị nhiễm bệnh thì thành phố cũng hết sức lo lắng, đã có những chỉ đạo cụ thể để doanh nghiệp có sự chủ động ứng phó khi có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra.

Hiện nay, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố ngoài các giải pháp tuyên truyền theo các khuyến cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch của chính doanh nghiệp đó, có đầu mối cụ thể gồm người đứng đầu các tổ, ca, nhóm và lập danh sách công nhân lao động có địa chỉ cư trú, tạm trú rõ ràng. Trong trường hợp có sự cố hoặc người thân của công nhân từ những nơi có dịch đến thăm có phát hiện nhiễm bệnh thì kịp thời khoanh vùng, cách ly, chuyển vào khu vực cánh ly một cách nhanh chóng nhất.

Song song đó, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp kích hoạt ngay lại bộ chỉ số đánh giá an toàn trong sản xuất. Chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá thẩm định lại đánh giá của doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp không đạt được các yêu cầu về sản xuất an toàn, chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng sản xuất để khắc phục những thiếu sót trong quá trình đánh giá.

Chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế các quận huyện, kiểm tra tầm soát, lấy mẫu trên diện rộng đối với công nhân lao động trong các doanh nghiệp cũng như tại các nhà lưu trú của công nhân, để sàng lọc để kịp thời phát hiện và ứng phó với các sự cố trong trường hợp có sự cố.

Quan trọng nhất là hiện nay chúng tôi đã xây dựng kịch bản, phương hướng thực hiện, phối hợp giữa các bên để ứng phó trường hợp trong Khu chế xuất – Khu công nghiệp có dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt là trong quá trình kiểm tra, hướng dẫn thì chúng tôi cũng tuyên truyền đối với các giới chủ doanh nghiệp các chế độ, chính sách chăm lo cho người lao động trong trường hợp người lao động bị cách ly, có nhiễm bệnh hoặc điều trị…và cũng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cao hơn mức quy định, giúp người lao động an tâm hơn trong quá trình sản xuất.

*VOH: Thưa ông, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố đã xây dựng kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra, cụ thể, kịch bản này như thế nào?

Ông Hứa Quốc Hưng: Theo phương án, chúng tôi phối hợp với công đoàn các trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp để xử lý các tình huống có công nhân bị nhiễm bệnh gồm có 3 nội dung chính.

Thứ nhất là đối với trường hợp bị viêm hô hấp cấp tính. Tức là chỉ mới có dấu hiện cảm, ho, sốt nhưng chưa có test có dấu hiệu nhiễm COVID-19, chúng tôi đã xây dựng từng bước thực hiện cụ thể. Trong đó, chủ yếu là cung cấp ngay thông tin cho trung tâm y tế quận, huyện, báo liền cho Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp và chuyển cá nhân đó vào phòng riêng lẻ của doanh nghiệp.

Chúng tôi có yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, trong thời điểm này phải chuẩn bị, mỗi doanh nghiệp ít nhất có một phòng cách ly để khi phát hiện công nhân có dấu hiệu bất thường thì chuyển ngay vào phòng này, chờ đội ngũ y tế đến sẽ xử lý tiếp. 

Trường hợp thứ hai, khi xét nghiệm có trường hợp dương tính với COVID-19 đang làm việc tại doanh nghiệp. Chúng tôi đã xây dựng 9 bước thực hiện. Trong đó, vẫn cụ thể từng nội dung, từ việc báo cho trung tâm y tế địa phương và chuẩn bị các phương tiện chuyển công nhân đến khu cách ly y tế tập trung.

Trường hợp thứ ba, khi có chuẩn đoán là dương tính với COVID-19 nhưng không còn làm việc tại doanh nghiệp. Chúng tôi cũng xây dựng các phương án khoanh vùng, truy vết, tìm kiếm các đối tượng để có thể chuyển đến khu cách ly y tế tập trung nhanh nhất.

Trong quá trình xây dựng các phương án, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng sơ đồ bố trí sản xuất bên trong doanh nghiệp, xác định rõ lối đi, lối vào, sẵn sàng phòng cách ly tạm thời để doanh nghiệp có sự chủ động, tránh ảnh hưởng đến lực lượng sản xuất kinh doanh khác.   

*VOH: Thưa ông, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP đã định hướng hoạt động ra sao, để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch trong những tháng cuối năm 2021?

Ông Hứa Quốc Hưng: Đối với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và cũng chưa biết khi nào sẽ kết thúc thì, các doanh nghiệp trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp cũng đã thích nghi và quen dần với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp cũng có có kịch bản sống chung lâu dài với dịch bệnh COVID-19. Các doanh nghiệp đã chủ dộng thay đổi phương thức sản xuất, tối ưu hóa dây chuyền công nghệ cũng như năng động hơn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu.

Song song đó, thành phố cũng có nhiều nghị quyết, các chương trình hướng dẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, thành phố đã có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 600 tỷ đồng vượt qua khó khăn, bao gồm các nguồn vốn để chi trả cho người lao động trong thời gian tạm ngừng, nghỉ việc. Chẳng hạn như nghị quyết số 02 của Hội đồng nhân dân thành phố năm 2020 đã hỗ trợ cho đối tượng là người lao động tạm thời dừng việc, nghỉ việc trong 3 tháng.

Các cấp chính quyền thành phố và Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp luôn luôn đồng hành cùng với những khó khăn chung của doanh nghiệp và người lao động, để có thể sớm hỗ trợ ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn cùng thành phố phát triển.

*VOH: Cảm ơn ông.

Bình luận