Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chỉ đạo mới của Thủ tướng về quản lý hiệu quả thị trường vàng

VOH - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường trong quý I.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 06 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: “Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024”.

Chỉ đạo mới của Thủ tướng về quản lý hiệu quả thị trường vàng 1
Quản lý thị trường vàng trên cơ sở sớm sửa đổi nghị định 24

Thủ tướng cũng đã ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, không chấp nhận việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tới 20 triệu đồng mỗi lượng. Ngân hàng Nhà nước cũng không chấp nhận việc giá chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao…

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng, cùng thông tin Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường, giá vàng SJC giảm mạnh.

Chính phủ đã cũng ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

+ Thực hiện và theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

+ Khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01/2024.

+ Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định.

+Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

+ Đánh giá về thị trường vàng trong nước, quốc tế và công tác quản lý nhà nước thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

+ Rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01/2024.

+ Tích cực và chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.

Bình luận