Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – Nhìn từ góc độ kinh tế và pháp lý

(VOH) - Cần xem xét sâu hơn những vấn đề đặt ra với Việt Nam như nghiên cứu và phát hành CBDC, hình thức thanh toán và mức độ hiện đại của hệ thống thanh toán ở nước ta.
Tại Hội thảo “Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nền kinh tế số” vừa diễn ra sáng 30/11, vấn đề về phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận. Hội thảo do Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của nhiều nhà quản lý các ngân hàng thương mại, luật sư và những giảng viên, học viên nghiên cứu và quan tâm trong lĩnh vực này.

GS.TS.Trần Hùng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐHQG-HCM (IBT) đánh giá bài viết “Tác động của tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) đến chính sách tiền tệ và kinh nghiệm đối với Việt Nam” đã đưa ra các vấn đề về phát triển CBDC trên thế giới, tuy nhiên cần xem xét sâu hơn những vấn đề đặt ra với Việt Nam như nghiên cứu và phát hành CBDC, hình thức thanh toán và mức độ hiện đại của hệ thống thanh toán ở nước ta, việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, các vấn đề rào cản công nghệ, phát triển CBDC để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, nền tảng kinh tế số và hỗ trợ thống kê trong khu vực chưa quan sát cũng cần được nghiên cứu thêm.

Chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – Nhìn từ góc độ kinh tế và pháp lý 1
PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy – Trưởng Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM, việc ngân hàng trung ương sẽ thực hiện việc chuyển đổi từ tiền mặt sang tiền kỹ thuật số vào nền kinh tế như thế nào là một trong những vấn đề tiên quyết cần phải giải quyết khi triển khai và phát triển CBDC tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết mục tiêu của Hội thảo là tạo diễn đàn để các chuyên gia trình bày, trao đổi các nghiên cứu của mình về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập đang là rào cản cho quá trình phát triển của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nước. Đồng thời, Hội thảo hướng tới mục tiêu tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường sự hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài chính – tiền tệ, quản trị rủi ro một cách hiệu quả và bảo vệ hợp lý quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia.

Hội thảo “Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nền kinh tế số” là sự kết hợp nghiên cứu liên ngành giữa kinh tế và pháp lý với chủ thuyết xuất phát từ việc am hiểu các vấn đề kỹ thuật, các yếu tố kinh tế của việc áp dụng công nghệ số vào quá trình thực hiện hoạt động tài chính – tiền tệ. Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật phù hợp với tính chất và đặc thù của các quan hệ kinh tế này nhằm hạn chế rủi ro và thúc đẩy các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ ngày càng phát triển./.

Bình luận