Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đầu năm, kinh tế TPHCM nhiều tín hiệu lạc quan

VOH - Tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa TPHCM có sự tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự nỗ lực rất lớn để duy trì đà tăng trưởng, dù tình hình thế giới nhiều phức tạp,

Hai tháng đầu năm 2024, TPHCM có 98% doanh nghiệp hoạt động trở lại, với khoảng 97% người lao động quay lại làm việc và ít tình trạng nhảy việc.

Có 3 ngành tăng, gồm: Hóa dược tăng 12,6%; Chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 6,4%; Cơ khí tăng 6,7%. Riêng ngành Sản xuất hàng điện tử: 2 tháng ước giảm hơn 6% do nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng ước đạt hơn 89.200 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ.

Theo Giám đốc Sở Công thương, Bùi Tá Hoàng Vũ, nguồn nguyên liệu phục vụ cho khối sản xuất phụ thuộc yếu tố đầu vào, điều này thể hiện những cố gắng của Thành phố trong năm vừa qua đã luôn hỗ trợ cho khu vực sản xuất.

Về tình hình đơn hàng của các ngành hàng, ông Vũ nhận định có những tín hiệu lạc quan. "Những ngành khó khăn như đồ gỗ, dệt may đã có đơn hàng đến tháng 6. Có nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng của năm 2024. Ở khối các doanh nghiệp lớn thì duy trì tốc độ tăng trưởng trong quý 1 và những tháng tiếp theo của đầu năm 2024"

Từ đầu tháng 1/2024, tình hình xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ đô la Mỹ chỉ trong tháng 1/2024, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp cho thấy ngành này đang có đà phục hồi rất tốt.

Tháng 1/2024, trị giá xuất khẩu của các sản phẩm rau hoa quả đã đạt 510 triệu đô la Mỹ, tăng gần 25% so với tháng 12/2023. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì ngành hàng này nổi lên như một điển hình của việc chuyển mình nhanh nhạy theo thị trường.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: "Đầu năm nay, chúng ta rất nhiều thuận lợi, mức tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong năm 2024, tỉ lệ tăng trưởng khoảng 20-40%. Chúng ta phải cố gắng giữ vững thương hiệu, giữ vững chất lượng".

Nhận định chung về thị trường và tình hình doanh nghiệp những tháng đầu năm, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho hay, sản xuất, xuất khẩu đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng, các mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất khẩu cao; Các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ đã có đơn hàng đến tháng 5,6. Tuy nhiên, vấn đề ở Biển Đỏ có gây có khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa, do đó một số doanh nghiệp đã phải tìm kiếm những thị trường ngách khác như: Đông Nam Á, châu Phi…

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - Nguyễn Phước Hưng đề xuất: "Tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính. Các thủ tục liên quan đến nhà đất, đầu tư của doanh nghiệp và người dân lâu được giải quyết hoặc giải quyết không triệt để.

Khi giải quyết công vụ có cơ quan thường viện dẫn những quy định trong để kéo dài thời gian trả lời hoặc chuyển cho cơ quan khác thay vì tìm hiểu, nghiên cứu, tìm hướng giải quyết giúp doanh nghiệp. Kiến nghị thành phố cần tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất để có thể tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển".

Đầu năm, kinh tế TPHCM nhiều tín hiệu lạc quan 1
Phiên họp tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2024 - Ảnh: Lệ Loan

Về thu ngân sách của Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 103.164 tỷ đồng, đạt hơn 21% dự toán năm, tăng gần 14% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 87.664 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 15.500 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản ước tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so với tháng 1; số doanh nghiệp thành lập mới là 6.283 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 56.851 tỷ đồng, tăng hơn 18% về số lượng và tăng hơn 44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 84.200 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.783 tỷ đồng.

Với những khởi sắc bước đầu của kinh tế thành phố ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM – Phan Văn Mãi nhìn nhận: "Có một số tín hiệu vui, đó là thu chi ngân sách, không chỉ thu ngân sách không đâu mà là chi ngân sách. Chúng ta chi đầu tư phát triển các nguồn, trong đó có đầu tư công đến hai tháng là gần 3.700 tỷ đồng, vượt tăng so với cùng kỳ trên 60%. Cái chi này đóng góp cho tăng trưởng, vừa đảm bảo các điều kiện hoạt động của hệ thống cũng tác động lan tỏa vào kinh tế xã hội thành phố, đóng góp vào tăng trưởng.

Tin vui thứ hai đó đó là sự khởi sắc của thị trường bất động sản cũng như thị trường xuất khẩu ở một số ngành hàng".

Bí thư Thành ủy – Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận, những tháng đầu năm, sự phấn khởi tăng dần lên. Khí thế sau những ngày Tết nguyên đán rất đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, chăm lo tết cho người dân cũng khá tốt.

Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, chỉ số công nghiệp tăng, doanh thu dịch vụ hàng tiêu dùng tăng. Sau 2 năm xuất khẩu thấp thì bây giờ đã tăng trở lại gần 12%, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch tăng…Thu ngân sách của Thành phố đóng góp 26% vào thu ngân sách của cả nước, đầu tư công tăng. Y tế cũng là mũi xung kích, văn hóa, giáo dục có kết quả tương đối đồng đều. 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu: "Điều quan trọng đó là triển khai nhưng không đại trà, triển khai có trọng tâm, tôi đánh giá cao chỗ này. Các đồng chí có chỗ trọng tâm trong từng lĩnh vực, từng cấp, tôi đều phát hiện ra và thông tin đến Thường trực Thành ủy. Những nhiệm vụ rõ ràng hơn, phân công trách nhiệm cụ thể hơn"

Trong thời gian tới, TPHCM cần có kế hoạch ứng phó tình huống bất lợi khó lường trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, không chùn bước trước khó khăn.

TPHCM cũng cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Tập trung thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần tăng tổng cầu cho kinh tế thành phố.

Bình luận