Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đẩy mạnh nghiên cứu giống để phát triển ngành hoa lan tại TPHCM

(VOH) - Hiện giá trị xuất khẩu từ ngành lan Việt Nam đạt trên 4 triệu đô la Mỹ, trong đó Nhật Bản và Mỹ là 2 quốc gia nhập khẩu hoa lan hàng đầu của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Festival Hoa lan 2019, sáng 24/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức hội thảo "Triển vọng và định hướng phát triển hoa lan trên địa bàn TPHCM" nhằm đánh giá tiềm năng và xu hướng thị trường hiên nay của giống cây trồng này. 

Hội thảo  "Triển vọng và định hướng phát triển hoa lan trên địa bàn TPHCM"

Hiện giá trị xuất khẩu từ ngành lan Việt Nam đạt trên 4 triệu đô la Mỹ, trong đó Nhật Bản và Mỹ là 2 quốc gia nhập khẩu hoa lan hàng đầu của Việt Nam. Những năm qua, mặc dù xu hướng xuất khẩu của lan tăng, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lan thứ 6 thế giới nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các quốc gia xuất khẩu lan khác.

Trong khi đó, nhập khẩu hoa lan của Việt Nam tăng đều các năm. Giá trị nhập khẩu hoa lan từ 5,5 triệu đô la Mỹ năm 2014 lên  khoảng 13 triệu USD năm 2018, với 90% nhập từ Thái Lan. Một trong những yếu tố hạn chế khả năng xuất khẩu hoa lan của Việt Nam là do cây giống. Trong đó, công tác nghiên cứu giống, lai tạo những loại lan đặc hữu chưa được đầu tư đúng mức gây ra sự phụ thuộc lớn vào giống từ Thái Lan.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, giám đốc doanh nghiệp liên kết trồng lan chia sẻ: "Ở TPHCM cũng có các phòng nuôi cấy mô nhưng quy mô nhỏ, chất lượng và số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường. Nguồn giống chủ yếu nhập từ Thái Lan, Đài Loan, phụ thuộc rất nhiều vào giống ngoại nhập" 

Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, thị trường xuất khẩu hoa lan thế giới và cả trong nước còn nhiều tiềm năng khi mà cán cân thương mai ngành hoa lan luôn ở mức thâm hụt, nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn khả năng xuất khẩu. Mức thâm hụt hoa lan thế giới giai đoạn 2014-2018 đạt đến 220 triệu đô la Mỹ. Đặc biệt là ở các quốc gia như: Nhật, Mỹ, Úc, Trung Quốc... đều có nhu cầu nhập khẩu hoa lớn.

Trong khi đó, TPHCM với những điều kiện thuận lợi như: khí hậu, có nhiều viện trường, nhiều doanh nghiệp đầu tư, đồng thời là nơi thường nhiều sự kiện, hội nghị lớn tầm quốc gia quốc tế  nên khả năng sản xuất và tiêu thụ hoa lan lớn. Hiện, các huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp giảm nhưng người dân có thể tận dụng được đất thổ cư, khuôn viên nhà nên khả năng mở rộng diện tích trên địa bàn còn khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Phó Giám độc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Tiềm năng phát triển của chúng ta so sánh với cán cân thương mại của Việt Nam, thế giới và tiềm năng sản xuất những thuận lợi khó khăn, ta thấy tiềm năng phát triển hoa lan còn rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển trong tiêu dùng nội địa, tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu cần có những giải pháp"

Theo đó, để phát triển tiềm năng cây lan, ngành nông nghiệp cần quan tâm đầu tư công nghệ sinh học, nghiên cứu lai tạo giống đặc hữu từ lan rừng của Việt Nam, tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế. Trước mắt, cần có chính sách kêu gọi đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng, giảm dần tỷ trong nhập khẩu giống từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM phát biểu tại tọa đàm

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám độc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu: "Đất chúng ta ít, người chúng ta đông, không thể nào làm thương phẩm được, phải làm giống để cung cấp ra thị trường. Đối với cây lan, giao cho trung tâm Công nghệ sinh học, một trong những đơn vị nhà nước, phải nghiên cứu, quy tập và tạo ra giống, kết hợp với các doanh nghiệp có đủ điều kiện, hỗ trợ cho họ làm giống, để cuối cùng chúng ta không còn lệ thuộc về giống từ nước ngoài". 

Bình luận