Thông tin được công bố tại Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM vào sáng nay 20/10 do UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao nhưng sẽ không có tình trạng thiếu vốn. Ngành ngân hàng cam kết bảo đảm đủ vốn để cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Minh, nhằm chia sẻ với những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, TPHCM tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng trong quý 4/2021.
Tại hội nghị, 8 ngân hàng thương mại đã ký kết với 64 doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai gói hỗ trợ tín dụng này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay: “Ngành ngân hàng Thành phố trong 3 tháng cuối năm sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chủ yếu: Tập trung yêu cầu các tổ chức tín dụng phải triển khai thật tốt Thông tư 14 của Thống đốc ngân hàng nhà nước, được ký ngày 7/9/2021. Với việc triển khai này thì hầu như các đối tượng bị thiệt hại bởi Covid-19 sẽ được cơ cấu lại nợ, chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi tiền vay, miễn giảm tiền vay mới. Ước tính nếu tổ chức tín dụng làm tốt, có thể hỗ trợ 1 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp, khoảng 400.000 doanh nghiệp được hỗ trợ từ cơ chế này”.
Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã hỗ trợ cho hơn 400.000 khách hàng với tổng dư nợ hơn 470.000 tỷ đồng theo Thông tư 01/2020 ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, cơ cấu lại hơn 127.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất với số tiền hơn 7.200 tỷ đồng, cho vay mới 334.000 tỷ đồng.
Ngoài ra năm 2021, trên địa bàn Thành phố có 11 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là hơn 312.000 tỷ đồng với lãi suất áp dung tối đa không quá 4,5/năm đối với cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác nhau như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ.
Xem thêm: HDBank ưu đãi lãi suất cho nhà cung cấp siêu thị qua chương trình tín dụng 100% online
Các sở, ngành TPHCM và Thành phố Thủ Đức và các quận huyện đã phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện kết nối, giải ngân vốn vay cho hơn 21.600 khách hàng với tổng số vốn hơn 241.000 tỷ đồng. Trong đó, các trường hợp tiếp nhận phản ánh của 816 trường hợp có vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận vốn. Đến nay, có 823 trường hợp được giải quyết, 3 trường hợp còn lại đang được xem xét, giải quyết.
“Hoạt động ký kết hôm nay mở đầu cho những hoạt động cố gắng của chúng ta trong quá trình mở cửa kinh tế, từ ý thức là mỗi doanh nghiệp cần phải cố gắng rất nhiều. Tôi tin rằng với tinh thần năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nhân TPHCM, hoạt động của các doanh nghiệp, kinh tế TPHCM sẽ khởi sắc” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM đánh giá.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Thị Thắng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tiếp tục duy trì sự chỉ đạo sát sao các ngân hàng thương mại triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, các hội, hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bà Thắng đề nghị: “Các sở, ngành, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách để hỗ trợ tháo gỡ, đặc biệt là khó khăn về vốn để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố hướng dẫn, hỗ trợ. Mục tiêu là không để doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn mà không thể tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, mỗi quận, huyện và Thành phố Thủ Đức phải tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối hoặc lễ ký kết hợp đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp”.