Tiêu điểm: Nhân Humanity

Định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh đến năm 2030

(VOH) - Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh hơn để phát triển vật liệu xây dựng xanh đến năm 2030.

Đây là thông tin được Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ vào sáng 22/6, tại hội thảo "Vật liệu xây dựng xanh - giải pháp và sản phẩm”.

Trong những năm gần đây, ngoài các vật liệu xây dựng truyền thống, Việt Nam còn phát triển các vật liệu xây dựng mới như: các loại vật liệu xây không nung, các loại sơn sinh thái, tấm thạch cao, vật liệu cách nhiệt...; Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong phát triển vật liệu xây không nung, đến nay Việt Nam đã sản xuất được khoảng 24 tỷ viên gạch, tiết kiệm được hơn 1.800 ha đất, 3,6 triệu tấn than và giảm phát thải trên 13 triệu tấn khí nhà kính. Tuy nhiên,  chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tính cạnh tranh của cơ chế thị trường nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kết quả đưa các sản phẩm vào sản xuất còn hạn chế. 

Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, đến năm 2030, toàn ngành vật liệu xây dựng phải có công nghệ sản xuất tiên tiến, tự động hóa ở mức ngày càng cao; tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp; chất lượng sản phẩm cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ông Tống Văn Nga, chủ tịch hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khẳng định sẽ tập trung vào các giải pháp để chế tạo ra các sản phẩm VLXD xanh phục vụ cho xây dựng trước mắt và lâu dài. Hy vọng rằng ngành công nghiệp VLXD của nước ta, với sự đóng góp tích cực của các chuyên gia đầu ngành về quản trị, kỹ thuật, hợp tác quốc tế cũng sẽ có những bước tiến nhảy vọt trong việc lựa chọn công nghệ chế tạo và hợp tác chế tạo ra các dây chuyền thiết bị tiên tiến, đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và thương mại để ngày càng có nhiều sản phẩm VLXD xanh./.

Bình luận