Tiêu điểm: Nhân Humanity

Doanh nghiệp đối diện với nỗi lo dịch COVID-19 (Kỳ 1)

(VOH) - Dịch COVID-19 có tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam trên cả lĩnh vực tăng trưởng, đầu tư và thương mại.

Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng, suy giảm tiêu dùng, tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Đồng thời, khiến hàng triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Trong bối cảnh khó khăn chung, để tồn tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh…

Đề cập vấn đề này, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức Tọa đàm “Doanh nghiệp tìm hướng đi mới”, với sự tham gia của các vị khách mời:

  • Tiến sĩ Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh;
  • Bà Ngô Ngọc Hoa, Giám đốc công ty Anh Khoa - doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc;
  • Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Unifarm (U&I) - doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

Dệt may và da giày được đánh giá là hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

* VOH: Ông Võ Trí Thành có những nhận định và đánh giá thế nào về tác động của dịch COVID-19 đến các ngành hàng và doanh nghiệp hiện nay?

- Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành: Tác động trầm trọng của dịch bệnh tới tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, hàng không, logistics, tiêu dùng trực tiếp: du lịch, nhà hàng, khách sạn. Không chỉ những lĩnh vực dịch vụ ấy, mà còn sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khó khăn.

Đối phó với dịch COVID-19, bên cạnh nỗ lực dập dịch, thì cũng có những nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, nền kinh tế. Thứ hai, cố gắng trong chừng mực đảm bảo vĩ mô tương đối tốt, để không bị tâm lý, tác động xấu này làm cho toàn bộ nền kinh tế xáo trộn quá mức độ. Thứ ba, nguyên tắc là phải quyết liệt làm nhanh, kịp thời.

* VOH: Dệt may và da giày được đánh giá là hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu bị đình trệ. Xin được nghe ý kiến của bà Ngô Ngọc Hoa?

- Bà Ngô Ngọc Hoa: Trước tình hình dịch, đầu năm 2020 doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng bế tắc, nguyên phụ liệu không về được, các nơi đều gặp trở ngại về mức tiêu thụ. Để cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Công thương, chúng tôi suy nghĩ góp phần cùng cộng đồng chống dịch.

Sau khi suy nghĩ, chúng tôi về xoay chuyển tình hình kinh doanh sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, cùng với người tiêu dùng Việt Nam chống dịch. An ủi là chúng tôi đã giữ được công ăn việc làm cho công nhân.

* VOH: Ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiểm Tổng Giám đốc công ty Unifarm (U&I) – doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản chia sẻ về những thách thức hiện nay của ngành nông nghiệp trong nước?

- Ông Phạm Quốc Liêm: Hiện tại, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Unifarm (U&I) của chúng tôi cũng đang gặp những khó khăn ban đầu. Chúng tôi chia thị trường ra làm 2 mảng: 50% tập trung thị trường nội địa, 50% xuất khẩu. Hiện tại, dù các kênh siêu thị, bàn lẻ đều có hướng kích cầu để giao hàng hóa đến người tiêu dùng đầy đủ, an toàn nhất, tuy nhiên, sức mua cũng thấy rõ. Đến thời điểm này, hàng hóa chúng tôi bán vẫn ổn định, tuy có phần giảm. Tôi lo rằng, trong thời gian sắp tới, có thể tình hình diễn biến xấu đi.

Thứ hai, hiện tại chúng tôi đang xuất khẩu đi một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, may mắn là hiện tại ở những thị trường này, chúng tôi chưa thấy tín hiệu hàng hóa xuất khẩu chậm lại.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 cũng khá phức tạp, chúng ta cũng khó mà biết được là trong thời gian sắp tới, diễn biến thế nào, chúng tôi vẫn đang chuẩn bị cho tình huống xấu đó.

* VOH: Thưa Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành, hiện các mối liên hệ, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc rất khó khăn. Theo ông, ngoài thị trường Trung Quốc thì thị trường nào có thể được coi là tiềm năng có thể khai thác được?

- Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành: Doanh nghiệp sẽ khó khăn, thời điểm này tùy thuộc vào nguồn lực và sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp. Cơ bản là có 3 nhóm giải pháp.

Nhóm thứ nhất, duy trì và cầm cự ở mức độ giảm thiểu chi phí, tập trung vào kinh doanh cốt lõi của mình với nhóm lao động chuyên môn cốt lõi nhất, tối thiểu nhất, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhóm thứ hai, cố gắng chuyển đổi các loại hình, cách thức kinh doanh mới. Có thể tạm thời chuyển sang làm công việc mới, tạo ra sản phẩm mới.

Thứ ba, nỗ lực cầm cự, sáng tạo trong kinh doanh, chuẩn bị tính toán khi thời hậu dịch liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa, tài cầu trúc, đối tác, thị trường, kể cả trong và ngoài nước.

* VOH: Xin được nghe thêm ý kiến của ông Phạm Quốc Liêm về vấn đề thị trường xuất khẩu?

- Ông Phạm Quốc Liêm: Trong nhiều năm qua, Unifarm không dựa vào thị trường Trung Quốc mà chúng tôi phát triển dựa vào thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, vì vậy trong điều kiện hiện tại, xuất khẩu của Unifarm chưa gặp nhiều khó khăn lắm.

Nói về thị trường xuất khẩu ở châu Á, đương nhiên Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Thị hiếu và yêu cầu kỹ thuật của họ cũng thuộc dạng đơn giản và rất dễ để nhà xuất khẩu Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc, vì lẽ đó mà Trung Quốc luôn chiếm vị trí số 1 trong những nhà nhập khẩu rau củ quả của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh Trung Quốc chúng ta cũng có nhiều thị trường khác. Khi chúng ta nhắc tới Nhật Bản, chúng ta nghĩ tới những tiêu chuẩn kỹ thuật họ cao hơn về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật đòi hỏi phải cao hơn và tốt hơn thị trường Trung Quốc. Khi nghĩ như thế, chúng ta nhìn nhận vấn đề ở hai khía cạnh: Một là tái cấu trúc, tổ chức sản xuất của chúng ta làm sao cải thiện sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu của nước bạn, khi chúng ta làm được những điều đó, thì rõ ràng những giá trị sản phẩm xuất qua những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc là mênh mông, đó là kênh để chúng ta thay thế và bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

* VOH: Chính phủ đã có gói hỗ trợ giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp lên đến 28.000 tỷ đồng, doanh nghiệp may mặc có được tiếp cận gói hỗ trợ này chưa và có đề xuất gì để gói hỗ trợ này hỗ trợ đúng đối tượng?  xin mời ý kiến của bà Ngô Ngọc Hoa?

- Bà Ngô Ngọc Hoa: Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này. Thật ra thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi cũng rất trông chờ vào gói hỗ trợ của nhà nước. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ chúng tôi về thủ tục xuất khẩu, một số nhu cầu của các nước. Sau khi chúng tôi phục vụ người Việt Nam sản lượng đầy đủ, với những đơn hàng của các nước khác có đặt về thì chúng tôi cũng sản xuất để cung ứng.

* VOH: Xin cám ơn các vị khách mời.

Bệnh nhân số 91 người Anh dương tính SARS-CoV-2 trở lại, tiếp tục thở máy - Âm tính sau một khoảng thời gian điều trị, sáng nay 13/4, bệnh nhân số 91 lại nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính trở lại. Phổi bệnh nhân tổn thương xấu hơn.

Cập nhật dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 13/4: 2 trường hợp nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm - Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tại TPHCM ngày 12/4/2020 có 02 trường hợp nghi nhiễm, đã lấy mẫu và chờ kết quả.

Bình luận