Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Tăng tốc tháo gỡ để đúng hẹn thông tuyến vào năm 2020

(VOH) - Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang tăng tốc triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, không để lỗi hẹn thêm lần nữa.

Chiều ngày 20/4, tại hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức ngày 20-4 tại tỉnh Bến Tre, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư mới của dự án) cho biết, thông báo kết luận số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 của Thường trực Chính phủ ngày 18-3 cho các nhà đầu tư nêu rõ: phải thông tuyến vào cuối năm 2020. Đây là một nhiệm vụ không phải quá khó, nhưng đây cũng là một mục tiêu không phải dễ dàng thực hiện, nếu các bên liên quan không thực sự đồng lòng, chung sức và thể hiện sự quyết tâm, để không lỗi hẹn thêm lần nữa với 23 triệu người dân khu vực ĐBSCL.

Quyết tâm tháo gỡ và thúc đẩy dự án

Ông Hoàng cho biết thêm, mới đây, ngày 17-4, báo cáo của Cơ quan thường trực Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nhận định về hiện trạng dự án. Theo đó, dù đã triển khai thi công 19/24 gói thầu và đạt trên 19,65% khối lượng xây lắp nhưng so với tháng 11/2018, tiến độ công việc không tiến triển do còn quá nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, nhất là về cơ chế tài chính, nguồn vốn thực hiện.

Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng nhận định: “Nếu nhà đầu tư và các  cơ quan liên quan không tập trung, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì dự án sẽ không kịp tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”.

Cũng theo ông Hồ Minh Hoàng, mặc dù mới bắt tay vào tiếp nhận dự án trong khoảng thời gian 2 tháng, nhưng ban lãnh đạo Tập đoàn đã tập trung những lực lượng mạnh nhất vào triển khai các công việc tại dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thông tin về tiến độ tổng thể công trình

Tập đoàn Đèo Cả sau khi sắp xếp, bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực tham gia các bên liên danh, đã tập trung triển khai một loạt các công việc cụ thể để triển khai trở lại dự án. Tập đoàn đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông và thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án, các giải pháp cần phải khẩn trương thực hiện đồng bộ và toàn diện. Kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy quản trị và điều hành công ty, quản lý điều hành dự án. Huy động tất cả các nguồn lực sẵn có của các Nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm hoàn thành cơ bản công tác xử lý đất yếu (bấc thấm đứng và ngang, vải địa kỹ thuật, gia tải) và chờ lún, đến tháng 3.2020 sẽ tiến hành dỡ tải và thi công các hạng mục tiếp theo. Chủ động rà soát năng lực nhà thầu xây lắp (kể cả Nhà đầu tư làm nhà thầu); các giải pháp kỹ thuật; hệ thống quản lý chất lượng của Chủ đầu tư, các Tư vấn (QLDA và giám sát thi công) để xem xét điều chỉnh theo quy định và hoàn thành trong tháng 4.2019.

Công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi động lại

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, với thời hạn chỉ còn 18 tháng, lại có 1 mùa mưa nên nhà đầu tư đã điều chỉnh lại biện pháp thi công; trong đó, tập trung vào việc xử lý nền đất yếu, để đảm bảo chất lượng công trình. Đối với nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu, sẽ tổ chức hình thành liên danh với Tập đoàn Đèo Cả để sẵn sàng việc chia sẻ nguồn lực tài chính khi cần hoặc xử lý bù đắp tiến độ khi một trong các nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ, để làm sao cho dự án tái khởi động với tiến độ nhanh nhất hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thông tin về tình hình triển khai dự án

Ông Hồng cũng thông tin thêm, nhà đầu tư sẽ đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện ngay các công việc thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chỉ đạo các cơ quan thực hiện ngay các công việc thuộc trách nhiệm như: Phê duyệt điều chỉnh dự án, ký phụ lục hợp đồng BOT, giải phóng mặt bằng bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu... để đảm bảo việc thông tuyến mà UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cam kết trước Thường trực Chính phủ và người dân.

Ông Lê Duy Hải - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp VietinBank khẳng định tại hội nghị, Vietinbank là ngân hàng đầu mối cùng các ngân hàng BIDV, VPbank và Agribank… đồng tài trợ khoảng 6.550 tỉ đồng cho dự án, và đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng với công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vào tháng 6-2018. Viettinbank và các ngân hàng đồng tài trợ sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn đầy đủ và kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Tại Hội nghị, 3 biên bản thoả thuận đã được ký kết giữa các bên, đó là: Biên bản làm việc về việc cam kết cấp tín dụng và kiểm soát dòng tiền của dự án với Vietinbank; Ký kết hợp đồng về việc bình ổn giá và cung cấp nhiên liệu thi công tại dự án giữa công ty Hamdeco và Petrolimex Tiền Giang; Ký kết cung cấp bình ổn giá nguồn nguyên vật liệu.

Dự án cao tốc Trung Lương -  Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Năm 2020: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thông xe - Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 5 tháng đình trệ thi công, hiện đang tăng tốc thi công trở lại và sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Tạo thuận lợi cho việc thi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận- Chiều 23/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác gồm đại diện các bộ, ngành Trung ương đã kiểm tra công trình đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Bình luận