Thị trường chứng khoán cũng chịu tác động nặng nề, đặc biệt là khu vực châu Á khi cổ phiếu liên tục giảm điểm.
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống còn 3.097,99 USD/ounce. Dù vậy, kim loại quý vẫn duy trì đà tăng tuần thứ năm liên tiếp. Trước đó, giá vàng đã ba lần lập kỷ lục trong tuần này nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn.

Giá vàng tương lai tại Mỹ giảm nhẹ 0,1%, còn 3.118,90 USD/ounce. Trước đó, vàng đã mất hơn 2% giá trị do áp lực bán tháo trên thị trường, xuất phát từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Ilya Spivak, Giám đốc kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Tastylive, nhận định: "Vàng tăng giá mạnh khi xuất hiện bất ổn chưa thể định giá, nhưng khi thị trường dần xác định được rủi ro, xu hướng này sẽ chững lại".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu 10% đối với toàn bộ hàng hóa vào nước này, đồng thời nâng mức thuế với một số đối tác thương mại lớn. Chính sách này khiến nhiều nước lên tiếng phản đối, cảnh báo nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh sau thông tin thuế quan mới. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 1,85%, kéo dài chuỗi giảm 2,8% từ phiên trước. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) cũng giảm 0,26% trong bối cảnh giao dịch trầm lắng.
Trước đó, các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã mất tổng cộng 2.400 tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ trong một ngày, mức giảm mạnh nhất kể từ đại dịch COVID-19.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch sớm tại châu Á. Hợp đồng tương lai Nasdaq tăng nhẹ 0,05%, trong khi S&P 500 giảm 0,06%.
David Bahnsen, Giám đốc đầu tư tại The Bahnsen Group, nhận định: "Nếu chính sách thuế mới được duy trì, nguy cơ suy thoái kinh tế trong quý II hoặc III là rất cao. Thị trường tài chính có thể tiếp tục giảm sâu".
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm khi lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ lan rộng. Giá dầu Brent giảm 31 cent, xuống còn 69,83 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 32 cent, còn 66,63 USD/thùng. Đây là tuần giảm mạnh nhất của giá dầu trong nhiều tháng qua.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD có xu hướng tăng trở lại. Chỉ số USD Index nhích lên 102,04 điểm, phục hồi từ mức thấp nhất trong sáu tháng. Đồng yen Nhật giảm nhẹ 0,09% so với USD, giao dịch ở mức 146,23 yen đổi 1 USD. Đồng euro ổn định ở mức 1,1043 USD, trong khi đồng franc Thụy Sĩ giao dịch ở mức 0,8591 USD.
Jane Foley, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Rabobank, cho rằng: "Sự suy yếu của đồng USD trong thời gian qua chủ yếu do các vị thế mua lớn được thiết lập từ cuối năm trước. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại và rủi ro tăng trưởng tại Mỹ có thể tiếp tục tác động đến xu hướng tỷ giá trong thời gian tới".
Hiện tại, nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến công bố vào cuối tuần. Đây là dữ liệu quan trọng để đánh giá lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh, khả năng Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu số liệu yếu kém, Fed có thể cân nhắc cắt giảm lãi suất sớm hơn, tạo điều kiện cho vàng và chứng khoán phục hồi.