Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải pháp phát triển hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long

(VOH) - Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường và phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh/thành phố, chiếm khoảng 13% diện tích cả nước nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nơi có hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa khơi dậy được động lực để tạo đột phá về kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Phát triển và khai thác hiệu quả, tích cực hệ thống giao thông sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ vùng đất “chín rồng” giàu tiềm năng này.

Khai thác thế mạnh ‘G’ thứ ba (Giang) để phát triển chữ ‘G’ thứ nhất (Giao thông)

Ngày 13 tháng 3 năm 2021, tại hội nghị lần thứ ba về Phát triển Bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đỏi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu kết luận hội nghị đã bổ sung tám nội dung mới (8 chữ G) để vận dụng trong thực tiễn Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặt lên hàng đầu, chữ G thứ nhất là “Giao” (Giao thông).

Chúng ta đều biết Đồng bằng Sông Cửu Long trong nhiều năm vẫn loay hoay giải bài toán giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ. Đường bộ từ các tỉnh miền Tây về miền Đông Nam Bộ luôn bị quá tải, kẹt xe thường xuyên, ùn tắc nghiêm trọng vào các dịp lễ tết khiến cho thông thương hàng hóa, vận tải hành khách bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là làm cho giá cả vận chuyển hàng hóa đội lên rất cao. Những năm trước đây, các chuyên gia logistics đã nhiều lần chỉ ra rằng chi phí vận chuyển một container 40 feet từ miền Tây về cảng xuất khẩu ở miền Đông Nam Bộ đắt hơn nhiều lần chi phí vận chuyển container từ cảng miền Đông Nam Bộ đi Singapore hoặc Hong Kong.

Giải pháp phát triển hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long 1
Kỹ sư Lê Thanh Bền, Phó chủ tịch thường trực Pacific Group, nhà phát triển dự án hạ tầng và năng lượng tái tạo tại Việt Nam với nguồn đầu tư từ Nhật Bản (thứ ba từ trái sang) tại phiên làm việc với TOPVN Group, đơn vị xúc tiến dự án hạ tầng cho Pacific Group tại Sóc Trăng. Ảnh: Pacific Group

Song song với việc triển khai hàng loạt các tuyến cao tốc đường bộ, chúng ta có thể lợi dụng điều kiện thiên nhiên tuyệt vời của miền Tây sông nước để khai thác tối ưu chữ G thứ ba “Giang” (Sông) mà Thủ tướng đã chỉ ra.

Một bài tính khá đơn giản: Một chiếc xe đầu kéo chạy trên đường chỉ có thể kéo tối đa 1 container 20 feet hoặc 40 feet nhưng một chiếc xà lan vận tải thủy có thể chở hàng chục đến hàng trăm container 20ft hoặc 40ft. Chúng ta có thể so sánh mức độ hư hao đường sá để vận chuyển 100 chiếc container từ miền Tây về miền Đông: đi bằng đường bộ sẽ cần 100 chiếc xe đầu kéo chạy nối đuôi khiến đường sá bị bào mòn, xuống cấp do phương tiện vận tải hạng nặng. Nếu sử dụng đường thủy, dùng xà lan tải trọng lớn để chở thì chỉ cần một đến vài xà lan là có thể làm nhiệm vụ vận tải 100 chiếc container, khai thác thế mạnh của miền Tây là sông ngòi chằng chịt.

Giải pháp phát triển hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long 2
Ảnh vận chuyễn hàng hóa bằng xà lan: Ảnh internet

Để khai thác tối ưu như vậy, Chính phủ có thể cân nhắc ngoài phát triển đường bộ thì phát triển hạ tầng đường thủy, tính toán, quy hoạch và thiết kế các cảng tiếp nhận và trung chuyển thông minh để chuyển hàng đi miền Đông, đồng thời tính toán và bố trí các cảng biển cho Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động xuất nhập hàng hóa, giảm phụ thuộc vào các cảng khu vực Đông Nam Bộ.

Khai thác tối ưu sân bay quốc tế Cần Thơ để giám áp lực lưu thông về Tân Sơn Nhất và Long Thành tương lai

Giải pháp phát triển hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long 3
Sân bay Quốc tế Cần Thơ :Ảnh internet

Cùng với việc bố trí và phát triển các cảng sông, cảng biển để khai thác thế mạnh sông nước của miền Tây để hàng hóa có thể chủ động thông thương đi quốc tế thì Chính phủ và Thành phố Cần Thơ có thể xúc tiến khai thác tối ưu sân bay quốc tế Cần Thơ, mở các đường bay quốc tế, mời gọi các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay sôi động. Qua đó, vận tải hành khách và hàng hóa từ miền Tây đi miền Trung, miền Bắc và quốc tế sẽ giảm phụ thuộc vào sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại và Long Thành tương lai.

Thứ nhất là miền Tây chủ động vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không đi khắp nơi. Thứ nhì là lượng hàng hóa và hành khách rất lớn từ miền Tây sẽ không còn đổ về Thành phố Hồ Chí Minh (hiện tại) và Long Thành (tương lai). Điều này sẽ làm giảm tải các tuyến đường bộ từ miền Tây về miền Đông.

Mời gọi đầu tư vào hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long có thể dựa trên câu chuyện thành công của Chính phủ về đầu tư điện năng lượng tái tạo trong 3 năm qua.

Chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã khiến các nước bạn kinh ngạc và đánh giá cao về đầu tư vào điện năng lượng tái tạo: nguồn điện năng lượng tái tạo đã chiếm tỉ lệ hơn 25% tổng công suất phát điện quốc gia. Chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo của Chính phủ phát huy hiệu quả và tính lan tỏa rất mạnh.

Chúng ta có thể kỳ vọng các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư vào hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long dựa trên câu chuyện thành công nói trên: Đầu tư vào điện mặt trời nói riêng từ 2017 đến 2020, chỉ tính riêng cấu kiện điện mặt trời là hơn 10 tỷ đô la.

Một con số rất lớn mà ngành hạ tầng giao thông khao khát! Chính phủ có thể thiết lập các cơ chế ưu đãi mang tính nước rút, tham khảo theo phương thức giá ‘FIT’ của điện năng lượng tái tạo để khiến cho các nhà đầu tư chạy đua với thời gian về đầu tư và tiến độ hoàn thành dự án.                                                        

Bình luận