Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hiệp định EVFTA: Cần nhóm giải pháp đồng bộ theo hướng sản xuất lớn

(VOH) - Sáng 21/8, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực Nông nghiệp và những điều cần lưu ý”.

Hội nghị ‘Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý’ do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với hai Bộ trưởng về cơ hội và thách thức cũng như hướng tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Trong lĩnh vực nông sản, EVFTA sẽ giúp giảm về 0% với 74,6% dòng thuế nông nghiệp trong năm đầu tiên và 97,3% dòng thuế vào năm thứ 10. Các sản phẩm rau, củ, quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản được xóa bỏ thuế ngay. EU cũng dành thuế quan 0% cho hạn ngạch 80.000 tấn gạo từ Việt Nam. Riêng đối với thủy sản, 50% dòng thuế sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại được cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm.  Như vậy, EVFTA sẽ những sản phẩm nước ta có thế mạnh như  thủy sản, gạo, đường, hạt tiêu mật ong, rau, củ, quả,… tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân, và rộng đường sang nhiều thị trường lớn khác. Nhưng thị trường này cũng có rất nhiều rào cản, thách thức.

Bên cạnh các cơ hội, thuận lợi nêu trên; khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, những hàng rào về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm cũng là những vấn đề sẽ được kiểm soát rất nghiêm ngặt, và đây là khó khăn lớn khi quy mô sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn manh mún. Chưa kể, hiện nay các chuỗi nông sản minh bạch, khép kín từ đầu vào đến đầu ra của nước ta vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, liên kết nông hộ với nhau và với doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Bộ Nông nghiệp cũng xác định, chăn nuôi sẽ là ngành bị tổn thương nhiều nhất với EVFTA. 

Các nhóm ngành chăn nuôi sẽ có thách thức lớn nhất trong các nhóm ngành sản phẩm, vì ngành hàng này quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%, do đó giá thành cao so với các nước khác, đã sản xuất nhỏ lẻ thì quản trị khó kiểm soát, vậy phải tổ chức lại sản xuất, hộ nhỏ lẻ phải liên kết tuân thủ/ mới đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh, đảm báo môi trường và ứng dụng công nghệ trong các khâu, gắn kết vùng nguyên liệu với thị trường.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết…

Với các cam kết trên, Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm mà ta có thế mạnh như nông sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả, v.v) và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân.

Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Các Hiệp định được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn, nâng cao năng suất và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống, giảm đói nghèo…

Bình luận