Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kinh tế Việt Nam năm 2023: Thách thức nhiều hơn cơ hội

(VOH) - Đây là nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu diễn ra vào sáng ngày 3/2.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực; chuỗi cung ứng được nối lại. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, đóng góp 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2022; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

An ninh năng lượng được bảo đảm, cung cấp đủ diện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng. Năm 2022 ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, nộp ngân sách 170,6 ngàn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, đóng góp khoảng 9,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tình hình hoạt động của ngành công thương năm 2022 (Ảnh: VGP)

Thị trường trong nước hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt 2,7 lần so với kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão nguồn cung dồi dào (tăng hơn 20% so với ngày thường), đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; sức mua không lớn (tăng từ 8-10%) nên giá phần lớn các mặt hàng trước và sau tết chỉ tăng nhẹ (trong khoảng 2-10%).

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cán cân thương mại tháng 1/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất siêu 1,6 tỷ USD).

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chia sẻ nhiều về các khó khăn của kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thách thức đang nhiều hơn cơ hội. Những khó khăn của kinh tế thế giới năm 2022 chưa thể khắc phục ngay, sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm sút do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn vốn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.

"Năm ngoái chúng ta đã vượt qua được các thách thức, còn năm nay áp lực lạm phát sẽ còn lớn. Trong nước, năng lực chống chịu sức cạnh tranh có hạn, tránh "cơn gió ngược" thế nào để thoát ra được?" - Thủ tướng đặt vấn đề.

Trong bối cảnh cả cung và cầu giảm, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương cần giải pháp căn cơ để thúc đẩy đa dạng hoá sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm và bảo đảm các cân đối lớn, năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần cần "biến nguy thành cơ", càng áp lực càng phải nỗ lực (Ảnh: VGP)

Thủ tướng đề nghị tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 6% so với 2022, một trong những giải pháp được nhắc tới là đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu... để sản xuất, xuất khẩu diễn ra thông suốt.

Hiện, các thị trường như Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, nhưng khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La Tinh có tốc độ tăng trưởng cao, còn dư địa để khai thác.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hoá thương mại, tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để hàng hóa Việt Nam tăng hiện diện tại các thị trường này; đàm phán, ký kết FTA với Israel và tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Bộ trưởng Công Thương kiến nghị sửa và ban hành mới những cơ chế, chính sách (trong đó có chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại) đủ mạnh nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp bối cảnh mới.

Đồng thời ông kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh xây dựng và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logistics, năng lượng...

Bình luận