Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mất việc làm liên quan đến ngành du lịch cao hơn gấp 4 lần so với các ngành khác

(VOH) - Theo ước tính của ILO, gần 1/3 tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành du lịch trong thời gian qua tại một số quốc gia châu Á.

Một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy, mức tổn thất việc làm do tác động của dịch Covid-19 trong các ngành liên quan đến du lịch tại 5 quốc gia Brunei, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – trong năm 2020 cao hơn gấp 4 lần so với các ngành khác.

Báo cáo chỉ rõ, gần 1/3 tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành du lịch, trong đó ước tính chỉ riêng 5 quốc gia kể trên đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch.

Xem thêm: Dự báo ngành nghề về công nghệ, số hóa, sức khỏe chiếm ưu thế trong 2-3 năm tới

Khách quốc tế, đảo Phi Phi, Thái Lan, ngành du lịch
Khách quốc tế ghé thăm đảo Phi Phi, Thái Lan.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch tại châu Á và Thái Bình Dương không khác gì một thảm họa. Ngay cả với những quốc gia trong khu vực đặc biệt chú trọng tới việc tiêm chủng và thiết kế những chiến lược dần mở cửa biên giới trở lại, việc làm và thời giờ làm việc trong những ngành liên quan đến du lịch ở các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới có thể vẫn thấp hơn con số trước khủng hoảng”.

Ở những nơi mà số lượng việc làm liên quan đến du lịch giảm khá ít, chất lượng của những công việc hiện có cũng giảm rõ rệt. Lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do phụ nữ tham gia với số lượng ngày càng lớn hơn vào các công việc phục vụ ăn uống, là những công việc được trả lương thấp nhất trong ngành du lịch.

So với các ngành khác, tổn thất thời giờ làm việc bị giảm cao hơn 2 - 7 lần so với lao động trong các ngành không liên quan đến du lịch. Năm 2020, số giờ làm việc bị giảm trong ngành này dao động ở mức 4% ở Việt Nam và 38% ở Philippines.

Thêm vào đó, do việc làm chính thức trong ngành du lịch sụt giảm, tình trạng lao động chuyển dần sang khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng. Ngay cả khi mở cửa biên giới trở lại, dự báo lượng khách du lịch quốc tế trước mắt vẫn sẽ thấp. Vì vậy, chính phủ các nước có thế mạnh về du lịch phải tìm cách đa dạng hóa kinh tế hơn nữa nhằm mục tiêu tạo thêm cơ hội việc làm mới trong những ngành không liên quan đến du lịch.

“Khi doanh thu từ du lịch chững lại và việc làm liên quan đến du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, đại dịch khiến chúng ta phải “cân nhắc lại” những chiến lược du lịch trung hạn và dài hạn.

Vì vậy, cuộc khủng hoảng mang lại cơ hội điều chỉnh ngành du lịch hướng tới một tương lai có sức chống chịu tốt hơn và lấy con người làm trung tâm” - bà Sara Elder, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của ILO, cũng là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết.

Cũng theo bà Sara Elder, công cuộc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian. Lao động và doanh nghiệp trong ngành du lịch tiếp tục cần sự hỗ trợ để bù đắp do những tác động ảnh hưởng mà đại dịch gây ra.

Bình luận