Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt 44 tỷ USD, tăng gần 10%

VOH - Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm tới sẽ mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 10/2024 đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 24,26% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng năm 2024 đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%...

det-may-131124
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt 44 tỷ USD, tăng gần 10%

Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam về cuối năm tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may.

Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may.

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn dư địa để xuất khẩu dệt may bứt tốc những tháng cuối năm, do lượng hàng tồn kho của các đối tác nhập khẩu đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất tại Mỹ và châu Âu hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ kích thích sức cầu mua sắm cuối năm.

Theo đó, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 10% so với năm 2023.

Một số chuyên gia cho biết, thị trường xuất khẩu dệt may 10 tháng vừa qua có sự phục hồi là do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam.

Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.

Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ còn cải thiện hơn nữa.

Bình luận