Pacific Group và Octoteq hợp tác phát triển năng lượng tái tạo hỗn hợp hơn 20GW

(VOH) - Dự án khi triển khai thành công tại Việt Nam sẽ tạo nguồn năng lượng khổng lồ, có thể lưu trữ bằng chuyển hóa amonia hoặc hydrogen hoặc cáp ngầm nối lưới vào bờ.

Ngày 15/3, Pacific Group và Octoteq (Cộng hòa Séc) ký kết hợp đồng đầu tư nghiên cứu và phát triển dự án năng lượng tái tạo hỗn hợp, thiết lập các giàn tái tạo xa bờ khai thác năng lượng gió, sóng biển và mặt trời công suất 20 GW.

Pacific Group và Tập đoàn công nghệ Octoteq sẽ nghiên cứu và thiết lập các giàn tái tạo xa bờ khai thác năng lượng gió, sóng biển và mặt trời có công suất lên đến 86MW/mỗi giàn. Hợp đồng ký kết do công ty tư vấn và quản lý tài sản AEI có trụ sở tại Mumbai thu xếp.

Công nghệ hybrid kết hợp năng lượng gió, sóng biển và mặt trời được các kỹ sư của Octoteq phát triển và thương mại hóa thành công và được các quỹ đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu hỗ trợ.

Các lưới điện của Octoteq tạo ra các nền tảng có khả năng cung cấp năng lượng trên quy mô lớn. Hình dạng dòng chảy tự do được lấy cảm hứng từ một con bạch tuộc.

Pacific Group và Octoteq hợp tác phát triển năng lượng tái tạo hỗn hợp hơn 20GW- Gió xa bờ, sóng biển và mặt trời 1
Giải pháp công nghệ hybrid kết hợp năng lượng tái tạo xa bờ gió, sóng và mặt trời do Octoteq phát triển. Nguồn: Octoteq

Nền tảng dễ dàng hòa hợp với môi trường xung quanh trên và dưới nước. Thiết kế hữu cơ có chủ đích nhằm tối ưu hóa thủy động học và khí động học để có hiệu suất tối đa và tác động đến môi trường ít nhất có thể.

Mỗi bệ có 6 chân, mỗi chân có chiều dài 140m và chiều rộng 24m. Trên đó lắp đặt 15 bộ chuyển đổi sóng có công suất 200kW, sắp xếp thành 3 hàng. Như vậy, sẽ có tổng số 270 bộ chuyển đổi sóng với tổng công suất khoảng 54MW ở độ cao sóng 2m.

Ngoài ra, có tổng cộng 12 tuabin gió được lắp đặt trên các chân với chiều dài cánh là 30m. Do đó, năng lượng gió giả định có thể đạt được ít nhất 6MW. Tuabin ở giữa được thiết kế với chiều dài cánh khoảng 50m sẽ cung cấp thêm 1MW.

Các chân trên được thiết kế để cung cấp 7.000m2 không gian dành cho các tấm pin mặt trời trên diện tích chiều rộng 52m và chiều dài 140m. Công suất định mức tối thiểu là 165W/m2, như vậy, điện mặt trời đạt khoảng 6,93MW lắp đặt. Tổng phụ tải kết nối khoảng 68MW.

Theo ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Pacific Group cho biết, dự án khi triển khai thành công tại Việt Nam sẽ tạo nguồn năng lượng khổng lồ, có thể lưu trữ bằng chuyển hóa amonia hoặc hydrogen hoặc cáp ngầm nối lưới vào bờ.

Hiện Pacific Group và Octoteq cũng đang đàm phán với các đối tác tiêu thụ amonia/hydrogen tại khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á để đảm bảo nguồn cung bền vững.

Ông Petr Bajer, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Octoteq SE, CH Séc cho biết, công ty từ khi thành lập đã đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách phát triển mạng lưới thông minh của các nhà máy điện ngoài khơi cung cấp năng lượng tái tạo duy nhất trên quy mô công nghiệp với giá cả phải chăng và đáng tin cậy trên toàn thế giới.

Bình luận