Tiêu điểm: Nhân Humanity

Rộ xu hướng sử dụng “ống hút tre” “ống hút cỏ bàng”

(VOH) - Nhiều bạn trẻ thay vì sử dụng ống hút nhựa xài một lần đang chuyển qua sử dụng ống hút tre hay ống hút cỏ bàng để tránh thải bỏ nhiều rác nhựa.

Ống hút nhựa được bán vô tội vạ

Thời gian gần đây, thông tin về việc sử dụng tùy tiện túi nilon, chai, ly, ống hút nhựa sử dụng một lần làm tăng gánh nặng cho môi trường, khiến nhiều người đắn đo hơn.

Thực tế, chai nhựa ống hút đang được sử dụng khá phổ biến và tính ra mỗi ngày, tại các đô thị lớn, mỗi người có thể bỏ đi vài chiếc ống hút hay ly nhựa sử dụng một lần.

ống hút, ống hút tre, ống hút cỏ bàng, rác thải nhựa

Ống hút nhựa đang gây ra "ác mộng" rác thải tại nhiều quốc gia (Ảnh: Bustle).

Thương Thương – một nhân viên văn phòng làm việc tại quận 12 chia sẻ, mỗi ngày “đều như vắt chanh” bạn uống 1 ly cà phê vào buổi sáng. Đến trưa, thường bổ sung thêm một ly nước cam sau khi ăn.

Buổi chiều, tránh buồn ngủ, Thương và đồng nghiệp có thể “làm” thêm một đợt sinh tố nữa. Tất nhiên, dù uống loại nước gì thì người bán luôn kèm theo cho một cái ống hút. Tính ra, mỗi ngày đều đặn dùng và quăng đi 3 cái ống hút.

“Nhiều khi cũng thấy mình bỏ đi nhiều ống hút quá nhưng nếu không dùng ống hút thì không biết uống thế nào vì bận rộn, mình toàn ăn uống ở ngoài đường” – Thương chia sẻ.

Phùng Hạo - sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kể, Hạo ít khi uống nước ở ngoài đường, nếu tính ra, trung bình một tuần chắc sử dụng khoảng 3 cái ống hút. Theo bạn, việc hạn chế sử dụng ống hút là khó vì ống hút giúp cho việc uống nước trông thẩm mỹ hơn và nó đã cần thiết tới mức trở thành thứ không thể thiếu.

Khác với Thương Thương, chị Vân Quỳnh – một chuyên viên R&D tại quận 3 đã từ chối dùng ống hút nhựa từ vài tháng nay, thay vào đó, chị đặt mua một bộ ống hút bằng tre để sử dụng.

Ngoài lý do không muốn bỏ nhiều rác, chị cho biết, nhà có hai con nhỏ nên dùng ống hút tre cũng là cách để dạy các con về việc hạn chế bỏ rác và nên tái sử dụng những thứ có thể sử dụng lâu dài.

ống hút, ống hút tre, ống hút cỏ bàng, rác thải nhựa, sống xanh

Một mẫu ống hút tre đang được nhiều bạn trẻ săn lùng (Ảnh: Sendo)

Chị Quỳnh cho hay: “Ban đầu mình cũng phân vân nhiều về việc vệ sinh ống nhưng đến khi dùng mới thấy, rửa ống hút tre cũng “dễ ẹc” luôn.

Chỉ cần ngâm ống hút trong nước (hoặc nước bồ hòn – một loại nước chuyên dụng để rửa ống), sau đó lấy que rửa (dành riêng để rửa ống hút tre) rửa bên trong ống, tráng lại bằng nước, để ráo và xài như đũa tre vậy”.

Chị Quỳnh cho biết thêm, bạn bè đồng nghiệp ai cũng thấy lạ khi chị luôn mang theo bịch đựng ống hút, khi hiểu ra lại nhờ chị mua giùm và hiện chị đã đặt mua thêm vài trăm ống hút tre từ Hà Nội theo lời “nhờ vả” của bạn bè.

Ống hút sử dụng nhiều lần không quá đắt

Loại ống hút tre “thân thiện môi trường” mà chị Quỳnh đang sử dụng hiện cũng khá đa dạng về mẫu mã. Ông có kích thước khoảng 18 cm, đường kính ống dao động từ 10 – 15 mm có thể sử dụng cho nước uống thông thường và cả trà sữa trân châu… Thậm chí có cả loại ống hút cỡ lớn, nhỏ có nắp đậy 2 đầu.

Tre Shop cho biết, các loại ống hút tre (ống hút nứa) được sản xuất thủ công từ thân cây nứa 2 năm tuổi tại nông tại Hón Mũ (Thanh Hóa). Ống hút tre có thể sử dụng nhiều lần trong khoảng từ 5-6 tháng, thậm chí là 1 năm nếu ống vẫn giữ được màu sắc và tình trạng.

ống hút, ống hút tre, ống hút cỏ bàng, rác thải nhựa

Ống hút tre đang tìm được chỗ đứng trong lòng những tín đồ yêu thiên nhiên (Ảnh: Youtube).

Chị Vân Quỳnh chia sẻ: “Mình mua lẻ 10.000 đồng/ống, nhưng sau này đặt mua bộ nhiều ống để xài luôn... vì đôi khi rửa xong để quên ở nhà. Phải mua thêm để có ít ống trong túi, và một ít ở nhà cho tiện. Nếu dùng ống hút tre thì cần mua thêm que rửa và bao vải đựng để mang theo cho dễ. Nói chung là lúc đầu mang ống hút trong giỏ xách cũng thấy lích kích, giờ xài quen lại thấy thoải mái”.

Ngoài ống hút tre, một loại ống hút thiên nhiên mới cũng gây thích thú cho nhiều tín đồ sống xanh, đó là ống hút cỏ bàng. Đây là loại ống hút “made in Long An”, an toàn cho sức khỏe, an toàn cho môi trường và có thể thay thế hoàn toàn cho ống hút nhựa

Cỏ bàng là loài cây mọc hoang dại ở hầu khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tuổi đời cỏ khoảng 1-2 năm tuổi). Ống hút cỏ bàng được làm thủ công bởi 1 một nhóm phụ nữ ở Đức Huệ, Long An. Ống hút cỏ bàng được sử dụng khi cỏ còn tươi, bảo quản nhiệt độ phòng (27-28 độ C) được 5 ngày, bảo quản trong tủ lạnh có thể được 2 tuần. Độ dài loại ống hút cỏ bàng dao động từ 20 – 28 cm, đường kính trong vào khoảng 4.5-6.5mm.

ống hút, ống hút tre, ống hút cỏ bàng, rác thải nhựa

Ông hút cỏ bàng được làm bởi những người nông dân Long An (Ảnh: Sống hữu cơ)

Các loại ống hút tre, cỏ bàng dù có nguồn gốc tự nhiên, được sản xuất bằng tay nhưng giá hiện nay không quá cao. Chẳng hạn, ống hút cỏ bàng (đang dùng phổ biến tại một số nhà hàng) giá sỉ vào khoảng 600 đồng/ống (ống tươi), một bó khoảng 100 ống. Với loại ống hút cỏ bàng khô, giá bán khoảng 1.000 đồng/ống.

Với việc có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, sử dụng lâu dài và dễ phân hủy, nhiều người đang “phát cuồng” vì các loại ống hút này. “Ngoài việc thân thiện môi trường, dễ sử dụng, dùng loại ống hút này mình còn có cảm giác thực sự cá tính khi đi ăn uống với bạn bè” – Hoàng Lan, một bạn trẻ chia sẻ.

Hồi tháng 3, nhiều thành phố của Mỹ (Malibu, California, Seattle, Washington) đã cấm sử dụng ống hút bằng nhựa tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và những nơi phục vụ thức ăn khác. Mới đây, thành phố New York cũng đưa ra lệnh cấm sử dụng ống hút bằng nhựa trong thành phố, theo New York Daily News.

Mặc dù trước đó đã có 80 tổ chức, đơn vị ở New York đã cam kết tự nguyện ngừng sử dụng ống hút bằng nhựa dùng một lần nhưng luật mới sẽ áp dụng rộng rãi hơn và bắt buộc tất cả phải ngưng sử dụng ống hút dùng một lần.

Ngoại lệ duy nhất được sử dụng ống hút nhựa đó là người khuyết tật hoặc người có vấn đề sức khỏe, và để được sử dụng ống hút họ phải thông báo tình trạng sức khỏe của mình.

Sau túi nhựa và chai nhựa, ống hút nhựa là loại rác thải chiếm nhiều không gian trong đại dương, có thể tàn phá sinh vật biển. Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng ống hút nằm trong số 10 loại rác hàng đầu được đổ ra biển, theo Ocean Conservancy. Ống hút bằng nhựa phổ biến và rất khó tái chế.

Bình luận