Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sản phẩm sạch từ nông nghiệp công nghệ cao

(VOH) – TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thành phố chủ trương hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất lớn, hiện đại. Tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

san-pham-sach-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-voh.com.vn-anh1
Trong giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.(Ảnh: VNE)

Kiên trì với nông nghiệp sạch

Xuất phát từ ý tưởng muốn đem đến sản phẩm nông nghiệp sạch, bữa ăn sạch cho mọi người, bà Lê Hà Mộng Ngọc - chủ một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã lựa chọn sản xuất nấm sạch.

Khởi đầu, Lê Hà Mộng Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt (Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) tham gia các lớp học về trồng nấm tại Thành phố do Hội Nông dân giảng dạy và tìm hiểu thêm nhiều tài liệu sách báo khác. Sau đó, bà bắt tay vào xây dựng 10 khu nhà trồng nấm bào ngư xám bằng tre nứa nhưng chỉ sau một thời gian bị mối, mọt phá hoại, hư hỏng nặng. Không nản chí, bà tiếp tục nghiên cứu và dần cho “ra lò” thành công sản phẩm nấm bào ngư với giá thành sản xuất khoảng 25.000/kg. Tuy vậy, thị trường lúc bấy giờ lại không phân biệt sản phẩm nấm sạch với sản phẩm nấm thông thường nên giá bán bị “cào bằng” thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất.

Gặp nhiều khó khăn như vậy tưởng chừng sẽ khiến bà đầu hàng nhưng với quyết tâm đem nấm sạch đến với khách hàng, bà Ngọc vẫn kiên trì với việc không sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu hay phân hóa học và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Đến cuối năm 2009, sản phẩm nấm bào ngư sạch của công ty Nấm Việt được hệ thống siêu thị Co.op Mart chấp nhận, và cũng đã mở đường cho các sản phẩm khác như nấm mèo, nấm linh chi tham gia vào thị trường nông sản sạch kể từ năm 2011.

san-pham-sach-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-voh.com.vn-anh2
Bà Lê Hà Mộng Ngọc – Giám đốc Công ty Nấm Việt (TPHCM) tự tìm cách chế biến các loại nấm của trang trại mình thành  sản phẩm ăn liền, phục vụ người tiêu dùng. (Ảnh: danviet)

Cho đến nay, công ty Nấm Việt vẫn tiếp tục duy trì quy trình sản xuất sạch hết sức nghiêm ngặt dù phải đội chi phí cao hơn và thời gian sản xuất dài hơn bởi theo bà Ngọc, đây chính là kim chỉ nam và là uy tín cho thương hiệu Nấm Việt. Mặt khác, bà Ngọc đã xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nấm sạch, từ phôi giống đến xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường. Đặc biệt vào năm 2019, công ty Nấm Việt được Sở Khoa học và công nghệ TPHCM đầu tư hơn 200 triệu đồng lắp đặt nhà màng về công nghệ sấy nấm bằng năng lượng mặt trời, nhập khẩu từ Đức. Ngoài ra, bà Ngọc còn chủ động phối hợp với Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM thực hiện lai tạo phôi nấm, đảm bảo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho trang trại cũng như những nông dân liên kết sản xuất với Nấm Việt. Tất cả quá trình này giúp bà Ngọc tối ưu hóa được chi phí sản xuất, kéo giảm giá thành mà vẫn đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn và chất lượng.

Với các đơn đặt hàng ngày càng nhiều cùng thị trường ngày càng mở rộng, bà Lê Hà Mộng Ngọc đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất, thương mại Nấm Việt với hơn 100 xã viên tại các tỉnh, thành từ TPHCM, Long An, Tiền Giang cho đến Lâm Đồng, Vĩnh Phúc nhằm đáp ứng đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Sản xuất hạt giống tốt để giúp cho bà con nông dân

Trái với trường hợp bà Ngọc là “tay ngang”, ông Huỳnh Đoàn Thông - Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong (Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) vốn có xuất phát điểm là một kỹ sư nông nghiệp.

Đau đáu với suy nghĩ một nước nông nghiệp mà hằng năm phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ để nhập giống từ nước ngoài, ông Thông quyết tâm tạo nguồn cung ứng hạt giống trong nước cho bà con nông dân.

san-pham-sach-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-voh.com.vn-anh3
Ông Huỳnh Đoàn Thông trực tiếp ra kiểm tra sản phẩm tại vườn (Ảnh: danviet)

Công ty TNHH Chánh Phong từ đó ra đời với hướng đi chuyên sản xuất, lai tạo các loại hạt giống rau màu cung cấp cho thị trường. Thời gian đầu, ông Thông phải liên kết với một số bà con nông dân để có đất gieo hạt tạo giống. Theo đó, công ty Chánh Phong đảm bảo cung cấp hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, ứng vốn hỗ trợ bà con xây dựng hệ thống tưới, nhà màng và thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận. Cứ từng bước như vậy, cùng với việc liên tục cập nhập, đầu tư công nghệ cho khâu nghiên cứu, lai tạo giống hay hệ thống bón phân – tưới nước tự động, Chánh Phong phát triển từ diện tích sản xuất 7 hecta dần tăng lên hơn 12 hecta, chủ động kết hợp với Khu nông nghiệp công nghệ cao TP để phát triển hàng chục tấn hạt giống rau màu các loại hàng năm cũng như trực tiếp cung cấp thị trường nhiều loại rau quả khác.

Cho đến nay, ông Huỳnh Đoàn Thông đã phần nào thực hiện được mong muốn đem đến cho bà con nguồn cung hạt giống uy tín, chất lượng ngay trong nước. Ngoài ra, việc hình thành, phát triển mô hình doanh nghiệp của công ty TNHH Chánh Phong giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Nhờ định hướng trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, kiên trì với sản xuất sạch, an toàn, chất lượng, đảm bảo uy tín – thương hiệu cho sản phẩm mà Chánh Phong duy trì được quá trình hoạt động tích cực nhiều năm qua.

Có thể thấy, hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được thể hiện rõ, qua việc thu nhập của người dân các huyện ngoại thành gia tăng. Năm 2019, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 5,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tại các xã năm 2019 đạt 63 triệu đồng/người, tăng gần 59% so với năm 2015.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nhằm mang lại sản phẩm sạch từ nông nghiệp công nghệ cao là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Đảng bộ và Chính quyền TPHCM.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều hơn những mô hình hoạt động hiệu quả hay một xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao được mở rộng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Bình luận