Tiêu điểm: Nhân Humanity

Start-up vượt khó thời Covid-19

(VOH) - Theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, trong 9 tháng qua, có hơn 24.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để tránh phải biến mất khỏi thị trường, các công ty khởi nghiệp (start-up) đang tìm nhiều cách xoay xở để phù hợp với tình hình mới và thực tế đã chứng minh rằng cánh cửa luôn rộng mở cho những start-up biến thách thức thành cơ hội để vững vàng đi lên.

Start-up vượt khó thời Covid-19
Các công ty khởi nghiệp (start-up) đang tìm nhiều cách xoay xở để phù hợp với tình hình mới. Ảnh minh họa: SGGP

CEO Hàng Minh Lợi của công ty Emiso cho hay, anh chọn lĩnh vực cung cấp giải pháp livestream cho các doanh nghiệp vì anh nhận thấy quá trình chuyển đổi số là xu hướng trong tương lai. Đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên người tiêu dùng chuộng các hình thức mua bán trực tuyến. Chính vì người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, người bán cần phải đẩy mạnh bán hàng qua mạng, bên cạnh đó là nhu cầu về các giải pháp giao tiếp trực tuyến đã giúp thêm nhiều khách hàng mới tìm đến công ty Emiso ngày một nhiều hơn.

Anh Minh Lợi chia sẻ các start-up khởi nghiệp trong giai đoạn này cần tìm ra nhu cầu thị trường, tối ưu hóa vận hành, nhân sự tinh gọn đa năng, ứng dụng công nghệ tiết kiệm tối đa chi phí không cần thiết để tập trung nguồn lực đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. “Do đại dịch nên mọi người phải thắt chặt chi tiêu, do đó việc tối ưu hoá vận hành của công ty là ưu tiên số một, và thứ hai là có thể áp dụng công nghệ để giảm bớt chi phí vận hành. Khi áp dụng công nghệ vào sẽ giúp công ty đi nhanh hơn đối thủ cũng như tiếp cận thị trường nhanh hơn, giảm chi phí, tối ưu chi phí vận hành, tối ưu chi phí phát triển sản phẩm. Những mục tiêu công ty đề ra trong giai đoạn này vẫn là giả sử có một đợt dịch bùng nữa thì mình cũng có khả năng chống chọi được và xoay chuyển tình thế tuỳ theo môi trường xung quanh”, anh Lợi cho biết thêm.

Cũng phải chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng vì dịch Covid-19, anh Nguyễn Phương Duy, Giám đốc công ty AIQuant đã suy nghĩ nhiều giải pháp phải làm sao giảm quỹ tiền mặt chi ra, linh hoạt vượt khó bằng cách tham gia nhiều cuộc thi quốc tế để được tài trợ sử dụng cơ sở hạ tầng dữ liệu. Anh Phương Duy tâm sự khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, tự thân các start-up phải nghĩ cách tồn tại trong nghịch cảnh, cứ xem dịch Covid-19 như một trong trăm ngàn đợt sóng không ngừng xô đẩy. “Các hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chi phí hiện tại bây giờ đi thuê của Google và Amazone chẳng hạn thì khá đắt, khoảng 10.000-15.000 USD. Chính vì vậy, những doanh nghiệp khởi nghiệp phải vượt khó bằng cách tham gia rất nhiều cuộc thi để lấy giải, cộng thêm là được những nhà tài trợ lớn như Amazone cho phép sử dụng trên những hạ tầng như thế. Nếu như được UBND TPHCM và các vườn ươm công nghệ cao hỗ trợ đầu tư hạ tầng đó ở mức chi phí vừa phải, không quá tốn kém sẽ là cơ sở đầu tiên cho rất nhiều doanh nghiệp triển khai ý tưởng”, anh Duy nói.

Nhờ xoay chuyển được tình thế mà trong lúc nhiều doanh nghiệp lao đao thì vẫn có một số start-up làm ăn đạt lợi nhuận vượt bậc. Ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ phần mềm ITP thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mọi người có xu hướng hoạt động trực tuyến, thế là các start-up chuyên về sản phẩm học và họp trực tuyến phát triển mạnh. Một số start-up về công nghệ rô-bôt gặp trở ngại vì gián đoạn xuất khẩu đã lao vào nghiên cứu nhu cầu của thị trường trong nước về sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 và đã tìm ra cơ hội cho họ. Từ nhu cầu thực tế này, họ đã sớm đưa ra sản phẩm mới là rô bốt diệt khuẩn để thích ứng với thị trường hiện tại và vượt qua khó khăn trước mắt. “Tại khu công nghệ phần mềm và trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TPHCM khi hỗ trợ cho các công ty thì bản thân những công ty này là công ty về công nghệ, tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông, do đó dịch Covid-19 này ít ảnh hưởng đến, thậm chí một số ngành về công nghệ giáo dục còn phát triển vượt bậc. Khi người dân ở nhà nhiều và các hoạt động xảy ra nhiều hơn trên môi trường mạng, các công ty này lại phát triển, như: học ở nhà, làm bài tập ở nhà, họp online, các hình thức giao tiếp trực tuyến,... khi đó, các công ty này lại tận dụng bất lợi thành cơ hội để phát triển. Một số công ty công nghệ liên quan đến rô-bôt tự động hoá thì gặp đôi chút khó khăn về thị trường xuất nhập khẩu vì họ làm những sản phẩm đó xuất đi thị trường Nhật Bản và gặp một số khó khăn trong việc giao thương. Nhưng các công ty đã vượt qua bằng cách sử dụng công nghệ, họ cũng sử dụng thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm phòng, chống dịch, ví dụ chúng tôi đã phối hợp với một số công ty tạo ra robot diệt khuẩn trong các bệnh viện. Chúng tôi đã trao 2 con robot cho bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM phun diệt khuẩn tự động. Đây là cách mà các công ty vượt qua là tìm ra thị trường mới ở chính nội địa”, ông Nhật cho hay.

Start-up vượt khó thời Covid-19
Các bạn trẻ tham gia dự án startup MagikLab tại Khu Công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: SGGP

Để hỗ trợ các start-up tồn tại, phát triển và tránh bị phá sản, nhiều nhóm giải pháp đã được thiết lập từ trung ương đến địa phương. Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA cho biết, nhiều địa phương đã trợ lực cho các start-up từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, tiếp thêm động lực cho start-up vững vàng trên chặng hành trình không đơn độc. Bà Vũ Kim Anh cho biết, chuyện giúp đỡ cho các em khởi nghiệp, tôi thấy là nhiều tỉnh thành có nhiều chương trình tốt. Ví dụ như tỉnh Đồng Tháp có những chương trình xúc tiến thương mại dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đi làm việc với đơn vị này đơn vị kia, tham gia các hội chợ hoặc địa phương chủ động đi gặp các hệ thống siêu thị để có thể giới thiệu sản phẩm của mình. Hoặc là Lâm Đồng rồi Sơn La và một số tỉnh nữa có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp từ chuyện làm bao bì, sở hữu trí tuệ, cho đi xúc tiến trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đó là những điều mà một số địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Sơn La... đang làm có hiệu quả và đó cũng là một nguồn động lực để thúc đẩy cho các dự án, các em khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có niềm tin là những cái mình làm được địa phương hỗ trợ, những sản phẩm mình làm ra thì tiêu thụ được, người tiêu dùng chấp nhận, thì đó là động lực của các bạn. Sở Khoa học của nhiều tỉnh hoặc Trung tâm khuyến nông của nhiều tỉnh cũng có những chương trình hỗ trợ máy móc theo tỷ lệ 50-50 cho các bạn nâng cấp sản phẩm của mình lên. "Chỉ có là mình có chịu khó suy nghĩ làm mới, thay đổi dây chuyền, làm mới sản phẩm của mình hay không và chịu khó tìm kiếm thị trường hay không. Tôi nghĩ, các bạn trẻ đang làm điều đó rất là tốt”, bà Anh nhận định.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chính sách hỗ trợ công ty khởi nghiệp đã nhanh chóng được cụ thể thành nghị quyết, chương trình hành động ở các địa phương, ngoài ra đang có các chương trình hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế mà starup có thể tiếp cận. Theo ông Quất hiện nay, đề án 844 ở trung ương thì Bộ Khoa học Công nghệ đã mở đợt kêu gọi nhiệm vụ mới để các trường đại học và vườn ươm có thể tham gia. Hiện nay, ở 53 tỉnh thành đều có kế hoạch, có đề án và nguồn kinh phí nhất định để triển khai. Những nội dung hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp theo đề án này đã được triển khai nhiều, gần 20 địa phương đã có nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh và chương trình hành động, kế hoạch triển khai của UBND cấp tỉnh... đều xoay quanh làm sao hỗ trợ được các vườn ươm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ sở ươm tạo và một số nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các đại học về phát triển thị trường sản phẩm, không gian làm việc thì cũng được cụ thể hoá trong các kế hoạch này. Các tập đoàn, các doanh nghiệp SMI, chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn kinh phí của nhà nước lại là những khách hàng tiềm năng nhưng hiện nay start-up không dễ tiếp cận những nguồn này.

"Chúng tôi rất mong muốn sự đồng hành của các tập đoàn, SMI và chủ các dự án đầu tư lớn dành một thị phần nhất định cho các start-up với ưu tiên về thủ tục đơn giản nhất, thuận tiện nhất. Và các vườn ươm thường đóng vai trò bảo lãnh, hỗ trợ cho các bạn start-up tiếp cận được những nguồn lực này. Bên cạnh đó, các nguồn lực quốc tế nếu các cơ sở ươm tạo có khả năng liên kết, vì trong bối cảnh này có rất nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra các chương trình hỗ trợ và các vườn ươm có thể tiếp cận được các nguồn này để hỗ trợ cho các start-up Việt Nam. Có nhiều chương trình chúng tôi được biết như là về xuất khẩu những sản phẩm để khắc phục việc đứt gãy những nguồn cung trong chuỗi giá trị do WTO, UNDP, World Bank,... nhiều chương trình đã được đưa ra thì mong các vườn ươm cũng như các doanh nghiệp có được những thông tin này thì có thể phổ biến, hỗ trợ cho các start-up Việt Nam có thể tham gia”, ông Quất nói.

Khó khăn thách thức của dịch Covid-19 đồng thời mang lại cơ hội, tiềm năng cho những start-up nhìn nhận lại thực lực mô hình kinh doanh của mình, tìm ra những thị trường mới và giải quyết vấn đề thực tế một cách hiệu quả. Cùng với các giải pháp hỗ trợ từ trung ương cho đến địa phương, hy vọng rằng các start-up không chỉ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này mà còn tỏa sáng.

Bình luận