Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong các KCX-KCN TP

(VOH) - Sáng 1/3, Ban quản lý các KCX-KCN TP tổ chức buổi gặp gỡ giữa Ban quản lý với 50 giám đốc các doanh nghiệp trong KCX-KCN năm 2019.

Nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN, sáng 1/3, Ban quản lý các KCX-KCN TP tổ chức buổi gặp gỡ giữa Ban quản lý với 50 giám đốc các doanh nghiệp trong KCX-KCN năm 2019. Buổi gặp có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành chức năng nhằm kịp thời ghi nhận và giải đáp  kịp thời những  kiến nghị  từ doanh nghiệp.

doanh nghiệp, KCX-KCN, Tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Đại diện ngành chức năng giải đáo thắc mắc của doanh nghiệp

Tại buổi gặp, một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phản ánh đó là gặp khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý về môi trường, chính sách nộp phí hạ tầng, việc hoàn thuế giá trị gia tăng, một số văn bản của nhà nước có những  quy định chưa rõ ràng gây khó cho doanh nghiệp, việc chuyển thiết bị cũ từ công ty mẹ sang công ty con ở Việt Nam khó khăn do quy định của Việt Nam, việc đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp khu chế xuất … 

Tại đây, các doanh nghiệp cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất  trong khu công nghiệp kéo dài, việc xử lý những thông tin không đúng về sản phẩm ảnh hưởng  đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Đại diện công ty TNHH sản xuất-thương mại Tân Quang Minh tại KCN Vĩnh Lộc trình bày, công ty sản xuất nước uống có gas nên việc ngành chức năng không cho tiêu thụ nước ngọt có ga trong trường học đã gây thiệt hại rất lớn cho công ty. Thay vì cấm, ngành chức năng nên có khuyến cáo các chỉ số về sức khỏe hơn là cấm.

Bên cạnh đó, công ty rất cần thông tin xúc tiến thương mại, kết nối với nhà cung cấp, thông tin về các KCN mới để đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Đặng Hiến-đại diện công ty trình bày: "Nếu nói rằng béo phì là do nước ngọt có đường thì một số bánh kẹo có hàm lượng đường cao hơn vẫn tồn tại và bán trong trường học. Các loại nước không gas vẫn có hàm lượng đường khá cao.

Về vấn đề này chúng tôi xin nói thêm rằng, nhà nước có thể quy định hàm lượng đường là bao nhiêu là vừa? Tôi thấy như ở Thái Lan họ quy định lượng đường trong thức ăn, nước uống không quá 6%. Bộ y tế, Ban an toàn thực phẩm nên quy định hàm lượng đường trong nước uống, trong thức ăn hơn là cấm tiêu dùng".

Một vấn đề khó khăn khác ảnh hưởng đến nhu cầu mở rộng sản xuất và phát triển của doanh nghiệp tại các KCX-KCN đó là về nguồn nhân lực. Trong đó khan hiếm cả về lao động phổ thông lẫn chuyên môn có tay nghề cao.

Trong khi đó, chi phí lương  và phụ cấp lại cao, lao động có chuyên môn đặc thù theo ngành nghề lại càng khan hiếm. Nhìn một cách rộng hơn cho thấy, lợi thế về nhân lực giá rẻ của Việt Nam nói chung và TP nói riêng đang giảm dần mà thay vào đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực được đào tạo đúng với nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là những ngành nghề mang tính hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Gần đây cũng đã xuất hiện sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tuyển dụng, giữ người, đặc biệt là  trong tuyển dụng lao động kỹ thuật cao…Trước thực trạng này, bà Nguyễn Ngọc Điệp-Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp các KCX-KCN TP cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải có sự chủ động trong xây dựng , đào tạo nguồn nhân lực cho mình.

Riêng ngành chức năng thì sẽ tạo ra những kênh hỗ trợ để cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu. Bà Điệp cho biết: "Nguồn nhân lực thực sự là vấn đề nóng của doanh nghiệp. Hiện nay, nội bộ của mỗi doanh nghiệp phải có những kế hoạch, chương trình, nguồn lực để tài trợ cho việc xây dựng nguồn nhân lực phù hợp cho hoạt động của doanh nghiệp.

Về phía TRung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng có những chương trình cụ thể. Kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp thì chúng tôi còn tổ chức những sàn giao dịch việc làm. Trong năm 2019, ngoài việc tổ chức trực tiếp phối hợp thì còn có những sàn việc làm online. Qua đó có những kênh để tìm nguồn nhân lực phù hợp với doanh nghiệp".

Tại cuộc gặp gỡ, đại diện các Sở, ngành TP và Ban quản lý các KCX-KCN TP đã trực tiếp giải đáp tất cả các nội dung thắc mắc của doanh nghiệp và cam kết mạnh mẽ rằng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển tại các KCX-KCN TP. 

Ghi nhận về điều này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM cho rằng: "Tôi thấy rằng với cuộc gặp gỡ hôm nay, các doanh nghiệp rất hài lòng vì Hepza và các công ty hạ tầng đã vận dụng tốt những quy định của nhà nước giải quyết khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành chức năng, cụ thể như Sở Tài Nguyên và Môi trường đã quyết tâm tháo gỡ khó khăn bất cập của doanh nghiệp về thủ tục đất đai..biểu hiện cam kết, nhiệt tình và quyết tâm tháo gỡ khó khăn".

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay thành phố đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 4. 500 ha , giải quyết việc làm cho hơn 290.000 lao động.

Tại các KCX-KCN TP hiện có 1.600  dự án, trong đó có 500 doanh nghiệp FDI. Hiện nay, tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp gần 10 tỷ 700 triệu  đô la Mỹ. 

Riêng năm 2018, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút đầu tư hơn 770 triệu đô la Mỹ. Vì vậy, việc ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, đóng góp vào sự phát triển của TP.

Bình luận