Các thương hiệu đồ uống được cho là sẽ ‘biến mất khỏi thực đơn’ của quán bar và sẽ có nhiều người mất việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương do thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà phân tích trong ngành đồ uống cho biết hôm 3/4.
Chính sách thuế mới nhất của ông Trump với tất cả các quốc gia sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ loại cocktail negroni phổ biến dựa trên Campari của Ý, rượu mùi, đến bia đen Guinness, được sản xuất bởi nhà sản xuất rượu mạnh hàng đầu thế giới Diageo.
Ông Trump cũng áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các loại bia nhập khẩu và thêm lon bia vào mức thuế nhôm hiện hành, đánh vào các nhãn hiệu như Corona do Mexico sản xuất và Heineken của Hà Lan…

Các tổ chức trong ngành cho biết, mức thuế được đưa ra vào ngày 2/4 đủ cao để gây tổn hại đến các ngành phụ thuộc nhiều vào người uống rượu ở Mỹ.
Theo tổ chức trade body spiritsEurope, riêng xuất khẩu rượu mạnh của châu Âu sang Mỹ đã đạt 2,9 tỷ euro (3,18 tỷ đô la) vào năm 2024, đồng thời cho biết, nhiều việc làm tại Mỹ cũng phụ thuộc vào hoạt động thương mại này.
Các nhóm và quan chức Pháp đã cảnh báo về mức giảm 20% doanh số và tình trạng sa thải hàng loạt ở các khu vực như Cognac, nơi rượu mạnh của Pháp được sản xuất để xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ và Trung Quốc.
Hiệp hội rượu vang Tây Ban Nha đã cảnh báo rằng không có thị trường nào có thể bù đắp được doanh số bị mất tại Mỹ.
Ai thắng ai thua?
Micaela Pallini, Chủ tịch hiệp hội thương mại Ý Federvini cho biết: "Nhiều nhãn hiệu đồ uống không thể sản xuất trong nước sẽ biến mất khỏi bàn ăn của người tiêu dùng Mỹ, trong khi một cuộc khủng hoảng sản xuất và việc làm nghiêm trọng đang rình rập ở Ý và châu Âu".
Nhà sản xuất đồ uống Nhật Bản Suntory cho biết, họ sẽ tập trung vào việc bán rượu mạnh tại các quốc gia nơi có nhà máy sản xuất loại đồ uống này do ảnh hưởng của thuế quan.
Các nhà phân tích tại UBS ước tính rằng, các nhà sản xuất rượu lớn sẽ phải tăng giá từ 2% đến 5% để trang trải thuế quan hoặc tự chịu chi phí và chịu mức giảm lợi nhuận hoạt động tương tự.
Tammy Curtis, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tài chính thương mại tại Republic National Distributing Company, một nhà phân phối rượu mạnh hàng đầu tại Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận nghiêm túc về giá cả đang diễn ra sau khi ông Trump công bố mức thuế quan.
Bà cho biết, "sẽ có người thắng và người thua", đồng thời nói thêm rằng, những sản phẩm có thể hấp thụ nhiều thuế quan hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ có giá tốt hơn.
Doanh số bán các sản phẩm như rượu vang và rượu cognac đã giảm ở Mỹ. Các nhà sản xuất rượu vang Pháp và Tây Ban Nha nói với Reuters rằng, người uống rượu ở Mỹ sẽ phải trả một phần chi phí thuế quan.
Liên minh Thương mại Rượu vang Mỹ cho biết thêm, điều này sẽ gây tổn hại đến các doanh nghiệp rượu vang của Mỹ nhiều hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Eoin O Cathain, người đứng đầu Hiệp hội rượu Whisky Ireland cho biết, ngành rượu whisky Ireland xuất khẩu 40% sản lượng sang Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng sang các thị trường khác.
Mặc dù châu Âu không phải chịu mức thuế 200% mà Trump đe dọa áp đặt, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra nếu động thái trả đũa của châu Âu nhắm vào các loại rượu mạnh của Mỹ, chẳng hạn như rượu whisky bourbon.
"Nếu thuế tăng lên tới 200%, trò chơi sẽ kết thúc. Thị trường Mỹ cũng sẽ kết thúc", Frederic Zeimett, Tổng giám đốc điều hành của Champagne Leclerc Briant, công ty xuất khẩu sang Mỹ cho biết.